Mình đã đạt N1 như thế nào? (Phần 1)
Bài viết chia sẻ về việc học tiếng Nhật, kinh nghiệm ôn thi đạt N1

Xin chào tất cả các bạn
Bài viết này chắc sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn đang học và ôn tiếng Nhật để có thể thi đỗ kì thi JLPT. Vì vậy mình muốn viết một bài để chia sẻ phương pháp học và ôn thi N1 của mình đã đúc kết và có kham khảo. Nguồn động lực từ đâu mà mình có thể học đỗ đạt với số điểm như vậy,..nên cả các bạn ôn thi N2 hay N3 đều có thể áp dụng được.
Trước tiên mình xin chia sẻ về mục tiêu và nguồn động lực từ đâu mà mình đã cố gắng, nỗ lực như vậy.
Như các bạn thấy đó mình không phải kỹ sư hay thực tập sinh gì cả, mình sang nhật định cư cùng gia đình. Chính vì thế nên cuộc sống của mình rất thoải mái dường như không có áp lực gì trong việc quá cần phải sử dụng nhiều tiếng Nhật( đây là mình đã có N3) nên việc phải cố gắng học đến N1 là điều mình chưa từng nghĩ tới cho đến một hôm mình vô tình lướt qua một bài viết trên facebook có nói về một chàng trai thực tập sinh ngành giàn giáo đã cố gắng và đạt được N1 với điểm số cao. Đó chính là Anh Nguyễn Văn Dũng "Chàng trai vàng trong làng đỗ N1”. Lúc đó mình đã đứng hình rất lâu để nhìn lại bản thân mình, tại sao cuộc sống có đầy đủ điều kiện hơn người ta để học sao không cố gắng học như người ta, trong khi người ta vất vả sớm tối ngoài trời nhưng vẫn nỗ lực học tập để có một tương lai tốt hơn còn bản thân mình sao chỉ dậm chân tại chỗ,..
Rồi mình rất tò mò nên đã tìm hiểu xem anh là ai sao anh lại có thể thi đỗ N1, mình kết bạn làm quen và hai anh em đã thân nhau hơn cả anh em ruột. Mình đã rất xúc động khi nghe anh chia sẻ về cuộc sống đi làm cũng như con đường học tập của anh. Chính vì vậy nên mình đã quyết tâm lấy anh làm động lực, làm tấm gương sáng để soi vào mỗi khi cảm thấy chán nản trong việc học, mình muốn chứng minh rằng dù là ai đi chăng nữa, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi chăng nữa chỉ cần bạn cố gắng, có mục tiêu và bạn quyết tâm chinh phục nó thì mình tin mình làm được bạn cũng làm được.
Cứ như vậy 2 năm miệt mài cố gắng học, thức khuya dậy sớm học và học. Cuối cùng mình cũng có thể đứng trước mặt anh để nói em làm được rồi anh ạ. Đây chính là câu chuyện nguồn động lực to lớn đã giúp mình thoát ra khỏi vùng an toàn để chinh phục những đỉnh cao mới .Mình viết những dòng này là muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến anh Nguyễn Văn Dũng, người đã luôn kề vai sát cánh giúp đỡ mình trong học tập,..お兄さんありがとうございました
Để có thể tự học (独学)
Trước tiên mình muốn bàn về chuyện tự học. Đối với mình, 3 điều cần thiết để có thể hình thành việc tự học là: tư duy mở, có kế hoạch và thói quen hoá việc học.
- Để có thể tự học thì điều đầu tiên là bạn phải có một tư duy tích cực, cầu tiến, tin rằng bản thân có thể tự học hỏi và cải thiện các khả năng và năng lực thông qua sự nỗ lực và vượt qua thất bại.
- Tiếp đó là lập kế hoạch. Nếu như đi học ở trung tâm, các thầy cô sẽ chuẩn bị sẵn cho bạn một lộ trình, và bạn chỉ việc theo nó. Tuy nhiên, nếu là tự học thì ta phải tự làm hết tất cả, từ việc lập kế hoạch học tập một cách hiệu quả, chọn giáo trình nào sao cho phù hợp, cũng như là phải tự đánh giá năng lực bản thân . Thế nên, nếu không có một kế hoạch cụ thể thì dù bạn có cố gắng mở sách để học mỗi ngày thì cảm giác nó cũng sẽ không đi đâu vào đâu.
- Cuối cùng là thói quen hoá việc học. Để có thể giúp chúng ta không phải suy nghĩ quá nhiều về chuyện học thì cách đơn giản nhất là thiết lập thói quen học mỗi ngày. Mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về thiết lập thói quen học ở phần dưới.
Lập kế hoạch ôn thi
Bây giờ là giữa tháng 12. Cứ cho là bạn sẽ bắt đầu học từ đầu tháng 1 nhé. Vậy thì ta có 6 tháng để ôn tập. Thời điểm này năm ngoái, mình cũng đã tự thiết kế một lộ trình cho 6 tháng trước khi bắt tay vào học, và kế hoạch đó đã phát huy hiệu quả. Vì thế mình sẽ chia sẻ ngắn gọn lộ trình đó với các bạn.
- Giai đoạn 1: CỦNG CỐ – 5 tháng đầu tiên
Đây là giai đoạn bạn bắt đầu thiết lập thói quen học và ôn thi tiếng Nhật. Vì vậy điều quan trọng ở đây, đó là không nên đặt mục tiêu quá lớn, như kiểu mỗi ngày học 4, 5 tiếng. Mình đảm bảo là các bạn chỉ duy trì được 2, 3 ngày, hoặc thậm chí là không quá nổi 1 ngày. Thời điểm này có lẽ vẫn có nhiều người chưa cảm nhận được rõ áp lực thi cử, vì vậy khả năng tập trung có thể sẽ chưa được cao. Vì thế điều cần làm, là hãy bắt đầu một cách nhỏ nhất. Mình tạo ra một quy luật riêng cho bản thân, đó là “mỗi ngày học ít nhất 25 phút”. Bạn có thể học đến 1 tiếng, 2 tiếng mỗi ngày, điều đó càng tốt, nhưng quan trọng hơn là ngày nào cũng phải hoàn thành tối thiểu 25 phút học này. Hãy theo dõi thói quen của bạn, bằng cách sử dụng ứng dụng điện thoại, hoặc là làm check-list tích ô.
Tại sao không phải là 30 phút? Bởi mình áp dụng phương pháp quả cà chua có tên là Pomodoro Technique được áp dụng rộng rãi trong công việc cũng như là học tập. Nói đơn giản thì thay vì ngồi liên tục trong một thời gian dài để làm việc thì bạn sẽ chia nó thành các hiệp nhỏ, mỗi hiệp bao gồm 25 phút tập trung và 5 phút giải lao (cộng lại là 30 phút). Cứ như vậy, nếu học tiếng rưỡi thì bạn sẽ học thành 3 hiệp, học 3 tiếng thì là 6 hiệp.
Về nội dung học, trong 5 tháng đầu tiên này bạn sẽ tập trung học các kiến thức mới trong giáo trình, và đồng thời ôn tập lại mỗi ngày, nhưng không cần phải quá chú trọng vào việc làm đề. Việc này sẽ được dành cho tháng cuối cùng. Cá nhân mình thì mình tập trung vào việc trau dồi 3 phần là kanji, ngữ pháp và từ vựng để có được một khung kiến thức nền tảng trước. Mình học từ vựng theo giáo trình mimikara n1, soumatome n1,shinkanzen n1, 3000 tango n1, speed master n1(2800 từ), kanjimaster n1, tettei n1,... kết hợp học thêm tiếng nhật tại các group như Không học giỏi tiếng nhật xoá groud, Quất JLPT, làng học n1,... tại những nơi đây bạn sẽ tìm kiếm được sự chăm chỉ, tích cực từ những bài đăng chia sẻ kiến thức của các bạn trẻ đang học tiếng Nhật tại cả 2 đầu Việt-Nhật. Các bạn học tập và chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Thật sự khi tham gia các nhóm học tiếng nhật mình nhận được vô số điều tích cực. Mọi người ai chưa tham gia thì tham gia ngay nhé.
Lưu ý:
- Học thật chắc sách kanji master N2
- Học thêm sách kanji master N1
- Học tập trung 15 chương - 20 chương đầu là sẽ trúng được vào đề thi
- Hoặc có thể đổi kanji master N1 thành soumatome kanji N1 cũng được,vì sao có thể đổi thành soumatome là:
- Trong sách có đưa từ có cách đọc giống như chữ hán khác.
- Đưa từ có nhiều cách đọc khó,đặc biệt sẽ giúp ích rất nhiều trong khi thi ngta có hỏi từ đặc biệt của chữ kanji đó.
*Còn về phần thi ngữ pháp và nên học sao cho đúng:
Tháng 12/2020, ngữ pháp N1 chỉ xuất hiện trong 2-3 câu hỏi thôi bởi vì là họ đã đẩy rất nhiều những dạng ngữ pháp theo kiểu hội thoại A-B là mình phải đọc hiểu những câu đó thì mình mới chọn được ngữ pháp đúng trong trường hợp đó.Thế nên ngữ pháp N1 không cần phải học quá nhiều,chỉ cần học tập trung vào 35 mẫu ngữ pháp N1 mà lúc nào cũng xuất hiện trong đề thi 10 năm gần đây là có thể trúng được 90% ngữ pháp đã xuất hiện trong đề thi rồi.
Nên học chắc sách N1 文法スピードマスター
Cuốn này hay ở chỗ là họ có đưa ra cái sắc thái của một mẫu ngữ pháp đấy một cách cụ thể và có hàm ý như vậy nên dùng trong trường hợp nào và còn đưa ra những từ hay đi kèm theo mẫu ngữ pháp đấy, rất bổ ích
Đọc và nghe hiểu:
Nên học thật chắc và làm những đề nghe+ đọc khó N2, luyện 2 kỹ năng đó trên 45 điểm N2,sau đó thì học chắc 2 cuốn Soumatome nghe và đọc hiểu N1 nếu cảm thấy bản thân đã chắc các cuốn trên thì nên học thêm cuốn shinkanzen N1 đọc+nghe( 2 cuốn này có chia theo các dạng câu hỏi mà xuất hiện trong đề thi).Vì cuốn Shinkanzen khó và trừu tượng nên cần học thật chắc những cuốn trên kia nhé.Tóm lại bạn cần đọc và nghe rất nhiều để tôi luyện tốc độ cũng như kỹ năng hiểu.
Mình may mắn gặp được Ánh Ss Moon Ss bên Riki nihongo và Huyền Ss bên Shourai đã giúp cho mình cách học,biết được những cách nghe và đọc sao cho đúng nên nắm bắt điểm chốt ở đâu, tất cả livestream hay youtube của 3 Ss mình đều xem và nghe hết,mình muốn gửi những lòng biết ơn và cảm ơn to lớn đến các Ss đã giúp đỡ mình 先生たちありがとうございました, ngoài ra mình còn xem và học hỏi từ các video dạy đọc hiểu của anh Minh dokkai và bạn Thảo MiJi.
Còn bạn hỏi sao mình không xem anime hay xem phim nhật hay xem thời sự thì mình xin trả lời là mình có xem, có nghe nhưng không nhiều. Tại vì mình không có hứng thú lắm với những gì liên quan quá tới Nhật vì mình yêu Việt Nam nên mình không xem hay nghe nhiều chỉ nghe từ vựng nhiều hơn thôi... Đó có thể là lí do giải thích vì sao mình có thể đạt được điểm nghe gần như tối đa, đọc manten. Mình xin nhắc lại hãy nhớ phải cố gắng cố gắng ôn kĩ phần đọc nhé. Vì đọc N1 nó khó hơn việc tìm người yêu, khó hơn việc đọc sách tiếng Nhật nên phải thật sự quyết tâm đó.
- Gian đoạn 2: CẤP TỐC – tháng cuối cùng
Càng gần đến ngày thi thì chắc chắn áp lực sẽ càng tăng, nhưng nó cũng chính là động lực để giúp bạn tập trung hơn trong việc học tập. Đây mới là lúc bạn tăng thời lượng học tập của bạn lên thành 3, 4 tiếng. Nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải giữ cho mình thói quen học ít nhất 25 phút mỗi ngày.
Bạn vừa ôn tập lại các kiến thức đã học trong 2 tháng vừa rồi, vừa tận dụng thời gian để làm thật nhiều bài tập và đặc biệt trong 1, 2 tuần cuối cùng thì bạn chỉ việc ngồi làm đề thi các năm hoặc đề thi thử trên mạng.
Mình giải đề chính thức N1 các năm từ 2011-2019, trong quá trình giải mình luôn canh giờ đúng 110 phút và giải xog mình tổng hợp lại các câu sai từng phần để biết được trình độ hiện tại. Sau khi giải được khoảng 6 đề mình đã in phiếu trắc nghiệm như đề thi thật để vừa giải đề vừa canh giờ và đánh vào tờ trắc nghiệm. Tạo cho bản thân cảm giác đây là kì thi thật 100% để lấy tự tin khi thi thật và tránh được trường hợp đánh nhầm câu khi đi thi.
Giáo trình mình sử dụng chủ yếu”ngoài những giáo trình mình đã viết ở trên.
Trên mạng có rất nhiều bài viết cũng như là video chia sẻ và gợi ý các giáo trình tốt, bạn nên tham khảo trên đó để biết rõ hơn về từng đầu sách hoặc vào Nhóm”Không học giỏi tiếng nhật xoá Groud để được các Sempai chia sẻ link sách hay cho học nhé. Cá nhân mình sử dụng chủ yếu là 2 giáo trình: 日本語総まとめ (Soumatome) và 新完全マスター (Shinkanzen Master) còn lại thì sách nào mình cũng đã học hết nhé.
Nếu so sánh 2 cuốn sách này thì chắc chắn Shinkanzen sẽ được nhiều người lựa chọn hơn. Soumatome không được đánh giá cao, vì lượng bài tập khá ít và kiến thức cũng không đầy đủ như Shinkanzen. Tuy nhiên, điểm cộng mà mình nhận thấy ở Soumatome, đó chính là ở dòng chữ “chương trình 8 tuần, mỗi ngày 2 trang”. 8 tuần tức là 2 tháng, và cái cụm từ “2 trang” phần nào nó khiến mình cảm thấy rằng đây là một con số khá nhỏ và mình hoàn toàn có thể làm được. Vì vậy, mình đã chọn mua sách Soumatome để sử dụng trong 2 tháng đầu.
Còn 1 tháng trước kì thì. Dù có thể đã hoàn thành xong giáo trình Soumatome rồi, nhưng chưa chắc đã nhớ được hết, thậm chí là quên kha khá. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để bạn gợi nhớ lại những gì mình đã học và qua đó giúp bạn nhớ lâu hơn các kiến thức đó. Lúc này, mình học thêm cuốn Shinkanzen và làm lại từ đầu. Dù là làm lại từ đầu, nhưng rõ ràng nhờ có 2 tháng ôn luyện trên Soumatome, nên mình cảm thấy như bản thân đang ôn tập lại vậy. Cái cảm giác “Ơ, cái này rõ ràng học ở Soumatome rồi mà sao lại không nhớ nhỉ” sẽ xuất hiện. Nhưng chính cái cảm giác khó chịu, ức chế vì bạn quên một thứ gì đó lại kích thích để bạn có thể nhớ lâu hơn. Đặc biệt, lượng bài tập trong cuốn Shinkanzen lại rất phong phú nên nó rất phù hợp với thời điểm gần ngày thi.
Tất nhiên, những gì mình viết ở trên chỉ mang tính chất tham khảo nên các bạn hãy tự lựa chọn giáo trình phù hợp nhất với bản thân nhé. Bạn cũng có thể sử dụng cuốn Shinkanzen ngay từ lúc đầu, hoặc chỉ cần sử dụng Soumatome,… Nhưng quan trọng là bạn phải sử dụng giáo trình một cách hợp lý sao cho nó phù hợp với 2 giai đoạn mà mình đã chia sẻ ở phía trên.
Còn tiếp....
Các bạn xem phần 2 ở đây nhé!
Tác giả: Trần Quốc Duy