Chủ nhật, 9 tháng 10 năm 2022 11:18

Chia sẻ kinh nghiệm làm thêm ở quán ăn tại Nhật (quán mì Udon)

Nằm trong Series kinh nghiệm làm thêm của Du học sinh, bài viết này là những chia sẻ về trải nghiệm khi làm thêm tại quán mì Udon Nhật Bản

GoEMON Admin
Ở bài viết trước GoEMON đã chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm làm thêm ở Combini. Bài viết đã nhận được nhiều sự hưởng ứng, quan tâm của các bạn du học sinh.
Chính vì thế, GoEMON sẽ tiếp tục chia sẻ về series kinh nghiệm làm thêm của du học sinh để giúp các bạn có những hình dung rõ cụ thể hơn về các công việc khác qua những trải nghiệm của anh chị senpai.
Trong bài viết lần này, GoEMON sẽ giới thiệu đến bạn về trải nghiệm làm thêm ở quán mì Udon Nhật Bản. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ hiểu rõ hơn về công việc này.

1. Giới thiệu tổng quan về nhà hàng mình làm việc:

Quán có tên là 丸亀製麺(Marukame Seimen), là quán ăn dạng hệ thống, có rất nhiều quán tại nhiều địa điểm trải khắp nước Nhật và một số nước ngoài. Thậm chí có ở cả Việt Nam.

Mình làm tại quán từ khi mới sang Nhật, trong thời gian học trường tiếng tại Tokyo. Quán gần sát Tokyo Dome ( một địa điểm nổi tiếng ở Tokyo) nên rất đông khách, đặc biệt là vào khoảng thời gian ăn trưa từ 11-13h và thời gian ăn tối từ 18-19h.

Món ăn ở đa dạng, ngoài những món chính liên quan đến Udon còn có các món phụ như các loại Tempura, cơm Oyakodon, cơm Katsudon, cơm nắm...

2. Những công việc cần phải làm ở quán mì Udon:

Công việc đơn giản và dễ làm nhất trong buổi đầu đi làm đó là việc dọn bàn và rửa chén bát. Công việc này thì rất hại da tay, mặc dù có máy rửa bát nhưng trước khi cho bát vào máy phải nhúng bát qua nước, phải gạt bỏ hết thức ăn thừa và mảng bám trên bát nên phải tiếp xúc với rất nhiều dầu mỡ.

Tiếp đến thì được chỉ các công việc như mang thức ăn cho khách, chuẩn bị các gia vị như gừng xanh, hành lá,… cho khách. 

Sau đó sẽ được giao cho việc chế biến những món ăn như cơm nắm (nhân cá hồi, tảo biển,…), cơm Katsudon, cơm Oyakodon, rán các loại Tempura (công việc này có phần nguy hiểm vì phải tiếp xúc với dầu sôi, có nguy cơ bị bỏng nên cần hết sức chú ý)

Sợi mì được làm trực tiếp từ bột ngay tại quán, công việc cán bột đòi hỏi một sức khỏe tốt nên thường được giao cho các bạn nam. 

3. Những ưu điểm và nhược điểm của công việc này:

Ưu điểm: 

  • Không cần giỏi tiếng vì không cần phải tiếp xúc giao tiếp nhiều với khách. 
  • Công việc đơn giản, dễ làm.

Nhược điểm: 

  • Tiếp xúc với dầu mỡ nhiều, quần áo và đầu tóc dính mùi thức ăn. Công việc rán Tempura và dọn dầu mỡ khi hết giờ làm vì phải tiếp xúc với dầu nóng nên hơi nguy hiểm. 
  • Việc không giao tiếp với khách hàng nhiều cũng là điểm trừ với những bạn muốn nâng trình độ giao tiếp qua việc làm thêm.

4. Chia sẻ về những trải nghiệm khi làm thêm tại quán mì Udon:

Khó khăn của mình khi làm việc ở đây là gặp phải ông chủ tiệm hơi khó tính một chút, còn mọi người trong quán rất tốt với nhau. 

Quán mình làm có nhiều người nước ngoài: Người Việt, người Nepan,.. và còn có các ông bà tầm 60-70 tuổi người Nhật nữa. Mọi người đều tình thương mến thương, giúp đỡ lẫn nhau. Mình vào sau, có nhiều việc chưa biết họ đều chỉ bảo rất tận tình, lúc rảnh có nói với nhau rất nhiều chuyện và còn hẹn đi liên hoan với nhau sau giờ làm.

Về phía chủ tiệm thì theo đánh giá chủ quan từ phía mình là ông ấy quá để ý tiểu tiết. Không biết các bạn ở Nhật đã gặp trường hợp như mình chưa. Chuyện là hệ thống quán mình làm có chế độ là mỗi người đối với 1 ca làm sẽ nhận được một phần ăn trị giá dưới 600¥. Đồ ăn sẽ là những món có trong tiệm. Hết ca làm, mình sẽ được đi chọn những món mà mình thích ăn, sao cho số tiền của món ấy dưới 600¥. Mọi người ai cũng có ý thức tự giác cả nhưng mà ông chủ cứ phải giám sát xem mọi người lấy suất ăn có vượt quá  600¥ không, trong khi quán có rất nhiều Camera và có những nhân viên họ đã làm ở đấy gần hết phần đời của họ rồi. 

Ngoài ra, hệ thống quán còn có đãi ngộ là chi trả tiền phí giao thông đi lại cho nhân viên. Lúc mới vào quán, bởi vì quán nằm ở đoạn trung gian giữa nhà mình và trường, mình có làm vé tháng khoảng đi tàu giữa trường và nhà, nên ông chủ lúc đó đã không trả tiền phí giao thông đi lại cho mình mà đáng lẽ ra theo luật là phải trả. 

Lúc đó mình nghĩ dù sao cũng mất tiền làm vé tháng từ nhà tới trường nên lúc đó mình đã không đòi phải chi trả cho mình. Nhưng sau đó mình có chuyển nhà, từ nhà mới của mình đi tới quán thì nằm ngoài phạm vi của vé tháng kia, mình có đề nghị ông chủ tiệm trả thêm tiền tàu đi lại cho mình nhưng ông chủ nhất quyết không chịu. 

Làm tầm nửa năm, mình dốc hết vốn liếng tiếng Nhật của mình thời điểm đó để nói hết những bức xúc trong lòng từ trước tới giờ với ông chủ đó rồi mình xin nghỉ việc!

Không biết đối với mọi người ra sao nhưng đối với mình môi trường làm việc và làm việc với ai rất quan trọng. Cuộc sống có vô số lựa chọn. 

Sau khi mình nghỉ làm ở quán Udon đó, mình đã làm tại một quán ăn hệ thống khác hơn 5 năm từ lúc mình học trường tiếng cho đến khi tốt nghiệp đại học.

5. Những lưu ý khi làm việc 

Đối với công việc này không có yêu cầu gì đặc biệt khó khăn. Tiếng Nhật tầm N4 trở lên, việc làm cơm nắm Onigiri  hay rán Tempura thì cần chút khéo léo. Nhìn chung công việc này phù hợp với tất cả các bạn mới sang Nhật và chưa giỏi tiếng . 

Ngoài ra, khi mới vào làm việc bạn sẽ được chỉ việc rất cẩn thận. Người chỉ việc thường rất hiền vì lúc đó bạn là người mới, việc bạn không biết làm là đương nhiên nên thời điểm đó bạn có đặc quyền được hỏi nhiều cái. 

Hãy nên tận dụng khoảng thời gian đó hỏi thật nhiều, học thật nhanh, cố gắng ghi nhớ những điều được dạy và những điều đã hỏi. Mang theo mình một quyển sổ tay nhỏ nhỏ và một cây bút để có thể ghi lại những gì được dạy để lần sau có quên thì vẫn có để xem lại.

Khi họ chỉ mình rồi, nhưng mình quên, hỏi lại thì người ta cũng sẽ trả lời nhưng họ sẽ để ý hơn, có nhiều người khó chịu với việc đấy nên cố gắng tránh tạo khó chịu cho nhau nha! Họ đề cao sự ghi chép lắm, thấy bạn ghi chép những gì họ nói, họ nghĩ những điều họ nói đã được coi trọng và rất vui mừng khi thấy bạn ghi chép đó!

Làm việc thì hãy cố gắng vui vẻ, dù mệt nhưng vẻ mặt không được thể hiện buồn rầu, vì mệt ai cũng mệt, hãy cố gắng đừng kéo mood đi xuống nhé!

Thêm vào đó, hãy cố gắng bắt chuyện với mọi người để trau dồi tiếng Nhật cho riêng mình nữa nhé!

Trên đây là bài viết về những trải nghiệm làm thêm ở quán mì Udon tại Nhật của các senpai. Hy vọng là những chia sẻ của các anh chị sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức và hình dụng cụ thể hơn về công việc để có sự chuẩn bị thật tốt nếu có ý định xin làm baito nhé!
Các bạn có thể đọc thêm về Những lưu ý khi xin việc làm thêm tại đây.
Hoặc nếu bạn cần tìm thêm thông tin về Tìm việc làm thêm baito ở đâu thì có thể tham khảo bài viết này.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở phía bên dưới, đội ngũ GoEMON sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc giúp bạn!
#Làm thêm#Bán thời gian