433 Lượt xem

Chia sẻ về kinh nghiệm làm thêm ở combini tại Nhật Bản

10:05 01/10/2022

Giới thiệu về quy trình công việc tại combini, về lương thưởng và một số lưu ý khi làm việc tại đây.

Chọn một công việc làm bán thời gian là xu hướng của hầu hết các bạn du học sinh để có thể trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân. Combini (cửa hàng tiện lợi) là một trong những công việc có số lượng du học sinh làm thêm đông nhất tại Nhật Bản.
Để hiểu rõ hơn về quy trình công việc tại combini, về lương thưởng và một số lưu ý khi làm việc tại đây, hãy cùng GoEMON lắng nghe những chia sẻ của một bạn du học sinh đã từng làm việc tại đây nhé.

1. Quy trình xin việc:

Ở Nhật, những siêu thị, combini cần tuyển người, họ sẽ dán poster ở cửa để thông báo là đang tuyển người, trên đấy sẽ có số điện thoại để liên lạc. Nếu như mình có trình độ tiếng một chút có thể chủ động liên lạc để xin vào làm.

Lúc này mình đang học ĐH năm thứ 2, thấy combini gần nhà và tiền lương cũng tạm ổn, nên đã gọi trực tiếp, bảo là có nguyện vọng xin vào làm tại đây. Lúc này cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ - gọi là Rirekisho (sơ yếu lý lịch). Bộ này có thể lấy miễn phí ở phía trước khu hướng dẫn xin việc (phòng giới thiệu hướng dẫn việc làm) tại trường, còn không có thể mua ở shop 100 yên, hoặc điền form online trên mạng rồi in ra.

Sau đó bạn sẽ được hẹn lịch để đến phỏng vấn. Tại buổi phỏng vấn, thường người ta sẽ hỏi những câu hỏi như: 

  • Mình đến từ đâu?
  • Hiện tại đang học gì?
  • Tương lai muốn làm gì?
  • Nguyện vọng mỗi ngày làm mấy tiếng, từ mấy giờ đến mấy giờ?
  • Một tuần làm mấy buổi?
  • Có nguyện vọng hay yêu cầu gì không?

Những câu hỏi này nhằm mục đích xác nhận trình độ tiếng Nhật của mình, xác nhận giờ mình muốn làm có phù hợp với giờ người ta cần tuyển không, con người của mình như thế nào. Mình thấy rằng ở Nhật đi làm thêm việc lớn việc bé gì người ta cũng thường hỏi như vậy.

Bên tuyển sẽ thông báo khoảng một tuần sau sẽ có kết quả phỏng vấn. Nếu như đỗ, thì 1 tuần sau đến ký hợp đồng. Khi đến ký hợp đồng, bởi vì mình là người nước ngoài, cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Thẻ ngoại kiều
  • Hộ chiếu
  • Con dấu
  • Thẻ mã số cá nhân

Sau đó mang giấy tờ đó để đi đi ký hợp đồng, để bên Combini khai báo thuế, mình sẽ ký hợp đồng là làm từ mấy giờ tới mấy giờ, tuần làm mấy buổi (hợp đồng trong vòng 1 năm). Nhưng mà thời gian đôi khi không giống như thế, đôi khi mình vướng sự kiện hay lịch học thì có thể xin nghỉ, do làm theo chế độ ca làm việc, khi mình nghỉ sẽ có người thay mình làm ở đấy (có thời gian mình về nước và xin nghỉ hẳn 1 tháng, công ty vẫn tạo điều kiện cho mình). Nói chung là thời gian làm việc rất linh động. 

Trường hợp không đậu thì người ta không gọi cũng không thông báo gì.

2. Công việc chính: 

Nhìn chung thì công việc ở combini khá nhàn, tuỳ ca làm, và từng combini mà có thứ tự khác nhau. 

Ở chỗ mình làm thì việc dọn dẹp (vệ sinh, lau cửa kính) được thực hiện vào buổi sáng, những hôm mình làm ca sáng thì khi đến sẽ lau cửa kính, mang chổi và hốt rác để tiến hành dọn dẹp, ngoài ra còn cần đi rửa gạt tàn thuốc (ở Nhật người ta ko vừa đi vừa hút mà sẽ hút ở 1 chỗ, do đó ở trước cửa combini có cái gạt tàn, người ta sẽ hút và vứt vào cái gạt tàn ở cửa combini, mình cần đổ đi và rửa lại cho nó sạch).

Sau khi dọn vệ sinh xong, công việc còn lại là tính tiền. Ngoài ra, mình cần check những kệ hàng ở bị vơi bớt (không còn đầy) để mang hàng ở trong kho ra xếp lại. Hàng nào hết hạn trước thì để phía trước, nên là khi muốn xếp hàng mới vào, cần phải bỏ hết 1 loại ra ngoài, sau đó xếp lại theo thứ tự hạn sử dụng (hàng cũ ra bên ngoài), để hàng ngoài cùng hết hạn sớm nhất. 

Đấy là công việc buổi sáng đến khoảng tầm 7 - 8h tối, chỉ có tính tiền, khách mua thì tính cho khách, không có khách thì mang hàng ra xếp lại cho đầy. 

Ngoài ra ở combini còn có các loại máy phát hành phiếu (ví dụ phiếu đi xem hòa nhạc), máy in, máy photo, một số ông bà hơi cao tuổi chút có thể họ sẽ không biết cách sử dụng thì mình phải biết cách sử dụng máy copy, máy phát hành phiếu để hướng dẫn người ta. 

Ở Nhật, việc check thời gian hết hạn của hàng hoá, nhất là thực phẩm (đồ ăn, bánh mì) rất nghiêm ngặt.

Ví dụ mai hết hạn thì phải vứt hết từ hôm nay rồi. Thời gian hết hạn của của các mặt hàng khác nhau, cơm hộp hết hạn vào tối, cơm nắm hết hạn vào tầm chiều. Vì vậy cứ đến thời gian gần hết hạn mình phải đi check loại nào gần hết hạn để xử lý, buổi tối lại đi check 1 lượt. 

Để vứt thì phải mang vào hệ thống máy tính, ấn vào nút để báo cáo sản phẩm Haiki để đọc mã vạch, hệ thống sẽ ghi nhận là sản phẩm này haiki. Đối với những quán nào mà ông chủ dễ tính thì sau khi haiki xong thì mình có thể mang về, đối với du học sinh thì đây là một hình thức tiết kiệm chi phí rất tốt. 

(Cũng có một số combini không cho cầm về, nên nếu bạn làm ở combini có thể xem những người làm trước (senpai), nếu họ không cầm thì mình cũng không cầm, còn nếu họ có truyền thống cầm đồ haiki về thì mình cũng cầm về thôi)

3. Về lịch làm, lương thưởng:

Hồi trước mình làm 1 tuần 2 buổi, do không có tiết học thứ 3 và thứ 5. Thời gian làm từ 9h sáng đến 6h chiều và được nghỉ 1h từ 12h  - 13h. Thời gian nghỉ không tính tiền lương. 

Khi đi làm có quét vân tay, có bảng tên và có mã. Khi đến sẽ dùng máy quét mã ở bảng tên, quét vân tay, tương tự nghỉ trưa cũng thế, chiều làm lại cũng vậy luôn. 

Khi về cũng check vân tay 1 lần nữa luôn, từ đó máy sẽ tính cho 1 tháng làm được bao nhiêu. 

Combini thường sẽ có 2 người làm trong cùng 1 ca. Lương ở combini thường dao động từ 820 yên/h (ở quê), còn ở Tokyo hay Aichi, các thành phố lớn thì có thể sẽ tầm 1 sen/h, khá thấp so với các quán ăn hay các công việc khác (do công việc cũng khá nhàn), sạch sẽ. 

Về cơ bản mình không gặp khó khăn gì khi đi làm, tuy nhiên mình thấy rằng để không gặp khó khăn, bạn cần phải biết tiếng bởi vì sẽ gặp rất nhiều người, đôi khi gặp những người khó tính (ở Nhật khách hàng là thượng đế) đang bực và mang bực đi mua đồ thì mình cũng dễ nói chuyện.

Ngoài ra, còn bởi vì một số tên phổ thông của đồ vật là thế này, nhưng người già hoặc tiếng địa phương lại khác, thì mình cũng cần phải biết để bán cho người ta. 

4. Một số lưu ý:  

Thứ nhất, ở Nhật có cái gọi là “Egao” - nụ cười, gương mặt tươi tỉnh và nhiệt tình rất quan trọng khi làm ở combini. Khách khó tính mà gương mặt mình tươi thì ít giận hơn. Thậm chí trước khi sang Nhật mình còn được dạy cười, mọi người có thể sẽ thấy không được thật lắm tuy nhiên, một người cười với mình vẫn hơn là gương mặt cau có, nhất là khi làm bán hàng.

Chỗ mình làm ông chủ ổng rất là thích nói chuyện, thích hỏi về công việc học tập của mình, ổng thích người có lý tưởng do đó ổng quý và nói chuyện hợp, công việc cũng thuận lợi hơn. 

Thứ hai, ningenkankei - mối quan hệ với đồng nghiệp rất quan trọng. Người Nhật khó mở lòng, bởi vì họ không có cảm giác an toàn, hoặc là vì mình là người nước ngoài. Tuy nhiên nếu mình chân thành, hoặc giỏi tiếng có thể nói đùa với người ta để cải thiện mối quan hệ hơn.

Những lúc xếp hàng lên kệ thì cũng có thể nói chuyện với đồng nghiệp Nhật. Mình có thể có thể giới thiệu bản thân trước, sau đó hỏi thăm về gia đình hay cuộc sống.

Cơ bản người Nhật làm cả ngày không nói cũng buồn, đối với mình đây cũng là cơ hội để luyện tiếng, mình thấy người Nhật bản chất cũng mong muốn được nói chuyện chứ không hẳn như mọi người nghĩ.

Thứ ba, về giờ giấc làm việc. Mặc dù ca 9h nhưng mình nên đi sớm tí, khoảng 10 - 15p, không nên đi sát giờ quá thì không khí không hay lắm (người Nhật tính vậy là muộn).

Thứ tư, ở Nhật công việc combini có cái giờ nào làm gì chỉ làm thế thôi, cơ bản là nhàn, cái gì không biết có thể hỏi. Khi mới vào chắc chắn sẽ sắp xếp với 1 người làm lâu để được hướng dẫn.  

Ví dụ: Một số công việc như hàng sắp hết cần đặt đồ để hôm sau người ta đem đến, du học sinh hoặc người làm bán thời gian sẽ không làm. 

Người Nhật thích hướng dẫn, nhưng chỉ chỉ một lần thôi, hướng dẫn 2-3 lần họ sẽ không vui. Do đó mình nên cầm theo cây bút và quyển sổ nhỏ nhỏ, để người ta nói gì có thể hỏi và ghi chú lại, khi gặp lại có thể mở ra để xem. Những du học sinh mới sang thường không có thói quen ghi chép này, các bạn nên lưu ý nhé.

Thứ năm, trước khi nghỉ thì báo trước 1 tháng, thông báo lý do là bận học hay bận thi với ông chủ, và xin tháng sau nghỉ cũng như cảm ơn. Khi nghỉ thì chỉ cần trả lại đồng phục là được.

5. Các kỷ niệm vui

Mình cũng nhận được quà tặng từ những người làm ở combini dịp valentine, dịp sinh nhật cũng được tặng thẻ mua hàng, ngoài ra ông chủ hay tặng mình bút với sách. Ngoài ra mình cũng có chơi thân với một chị làm chung trong quán, thỉnh thoảng chị đó cũng đánh ô tô chở đi ăn, đi chơi xa. 

Trên đây là một số kinh nghiệm, trải nghiệm làm thêm tại combini của một bạn du học sinh mà GoEMON đã liên hệ được. 

Làm thêm là một cách hay để vừa có thêm thu nhập chi trả cho sinh hoạt phí giúp đỡ ba mẹ, cũng như vừa có cơ hội học hỏi và tăng vốn tiếng Nhật của mình. Những không vì thế mà các bạn chú tâm quá vào việc làm thêm mà quên đi việc học của mình nhé.

Các bạn hãy sắp xếp thời gian khoa học và hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất trong các công việc.

Nếu bạn có thắc mắc nào về việc làm thêm ở combini, hãy để lại bình luận ở phía bên dưới, đội ngũ GoEMON sẽ hỗ trợ giải đáp giúp bạn!