213 Lượt xem

Trải nghiệm tìm việc ngành IT consultant ở Nhật

08:48 08/06/2023

Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc của cá nhân

Tiếng Nhật cần thiết để làm việc trong ngành IT consultant ở Nhật?

Keyword của ngành consultant nói chung là những cụm từ như “Trao đổi với khách hàng”, “Dự án”, “Phân tích”, “Tìm kiếm・Giải quyết vấn đề”, “Đề xuất phương án”. Và để thực hiện được những yêu cầu chính (keyword ở trên) của ngành nghề này thì khả năng đàm phán, thuyết trình, trình bày ý kiến sao cho hợp lý, logic là không thể thiếu được. 

Một người đàn anh của mình từng bảo rằng: “Em thử nghĩ đi, việc nêu ý kiến và thuyết phục mọi người xung quanh về ý tưởng của mình bằng tiếng Việt cũng đã khó rồi, nhất là về những đề tài hay chủ đề chuyên môn, nên nếu tiếng Nhật của em không đủ vững thì đương nhiên phần nội dung mà em muốn truyền đạt sẽ bị hạn chế đi và dự án/kế hoạch em đang làm đấy sẽ không thể thực hiện suôn sẻ được”. 

Bên cạnh đó, với ngành IT consultant thì ngoài tiếng Nhật thông thường, tiếng Nhật trong kinh doanh, mình cũng cần bổ sung thêm kiến thức cũng như từ vựng tiếng Nhật liên quan đến ngành IT để sau này khi đàm phán với bên phía khách hàng hay lúc làm việc với nhóm sẽ không bị tụt về sau. Theo mình thì tiếng Nhật trong ngành IT consultant chính là một điều kiện cần rất quan trọng. 


Quá trình mình tìm kiếm công việc

Xu hướng phát triển các ứng dụng công nghệ những năm gần đây ngày càng nhanh và thị trường cũng dần trở nên khó đoán nên độ “Hot” của ngành IT consultant cũng tăng chóng mặt dù là ở công ty thuần Nhật (日系) hay công ty vốn đầu tư nước ngoài (外資系). Lúc đầu mình cũng khá phân vân về việc nên ứng tuyển bên nào, cuối cùng thì mình quyết định thử nộp đơn vào mỗi bên. 2 công ty, 1 công ty ở mức tầm trung và 1 công ty được đánh giá khá cao để xem thử bên nào phù hợp với mình. Sau vài bài test và phỏng vấn thì mình nhận thấy mình thích ngành IT consultant của công ty 外資系 hơn (về bầu không khí, đãi ngộ, cơ hội tương lai,...) và tập trung sức lực vào cuộc tuyển chọn của bên này.


Chia sẻ về việc phỏng vấn và yêu cầu của nhà tuyển dụng

Công ty mà mình được nhận (đồng thời cũng là nguyện vọng 1) có tổng cộng 4 vòng tuyển chọn (Đa phần các công ty consultant cũng sẽ giống như vậy, nhưng có thể thêm 1 vòng phỏng vấn hoặc có chút thay đổi ở các vòng)


  • Vòng 1 là vòng hồ sơ, như mình đã nói ở trên thì vì consultant là một ngành nghề có yêu cầu cao đối với khả năng suy nghĩ logic và việc diễn đạt những ý nghĩ đó thành lời nên so với vòng hồ sơ của các công ty khác thì ở đây yêu cầu viết nhiều hơn hẳn, những người đi trước cũng nhấn mạnh với mình là ở đây chú trọng sự “logic” trong các câu văn mà mình viết. 

Bài test SPI cũng có điểm đặc biệt là sẽ kiểm tra độ nhạy bén, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tìm đáp án dựa theo những dữ kiện được cho trước của bạn.


  • Vòng 2 là vòng thảo luận nhóm, thường thì đây sẽ là vòng “lọc” thí sinh mạnh tay nhất. 

Toàn bộ ứng viên được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng từ 4-6 người và sẽ cùng thảo luận, tìm ra phương án giải quyết cho một yêu cầu/vấn đề của một doanh nghiệp nào đó do người phỏng vấn đưa ra.

Mặc dù người nổi bật nhất sẽ là người trình bày với bên giám khảo và thường đó sẽ là người Nhật nên nhiều bạn sẽ lo là bản thân lại bị “lu mờ” đi trong buổi thảo luận này thì theo kinh nghiệm bản thân mình là thay vì bạn nhận làm người thuyết trình với mong muốn tạo được ấn tượng trong mắt giám khảo, bạn có thể làm người chủ động đưa ra ý tưởng mấu chốt, tổng hợp những điểm sáng từ ý kiến từ những người khác và chỉnh sự “logic” của buổi thảo luận, như thế là đủ để khiến bạn tỏa sáng rồi đấy.

Tóm lại thì lời khuyên của mình ở vòng này là chúng ta cần dành được “spotlight” bằng điểm mạnh của chính mình.


  • Vòng 3 là vòng phỏng vấn cá nhân với bên công ty.

Mình được phỏng vấn với người cấp bậc quản lý (tùy công ty mà đối phương có thể là người bên nhân sự, người làm lâu năm trong ngành mà bạn ứng tuyển, quản lý,...). 

Đặc thù của ngành consultant là case-interview, nội dung khá giống với vòng 2 nhưng đề bài được cho sẽ cụ thể và chuyên sâu hơn về mảng IT, lần này chỉ có một mình bạn triển khai ý tưởng, tìm vấn đề, nghĩ ra phương án với những yêu cầu như vòng phỏng vấn nhóm nhưng với áp lực từ việc có ít thời gian hơn và không có người giúp nảy ra thêm ý tưởng như vòng 2 nữa. 

Sau phần case-interview thì bên người phỏng vấn sẽ hỏi thêm về cá nhân bạn như tại sao lại chọn ngành IT consultant, tại sao lại ứng tuyển công ty này, kế hoạch tương lai của bạn,....


  • Vòng cuối là vòng xác nhận “độ tương thích” của bạn với công ty, nên thường thì bên phỏng vấn sẽ hỏi sâu hỏi kỹ về mục tiêu tương lai, lý do ứng tuyển và những kế hoạch hiện tại của bạn để xem công ty có thể giúp bạn phát triển không và bạn có thể đáp ứng được những yêu cầu của công ty không. 


Những kỹ năng cần có.

Dù bạn thuộc ngành xã hội (文系)hay tự nhiên(理系)thì đều có thể ứng tuyển ngành (IT) consultant. Quan trọng là bạn đáp ứng được những yêu cầu về kỹ năng và con người như khả năng suy nghĩ logic, phân tích, khả năng lập luận thuyết trình, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thích ứng nhanh chóng với môi trường xung quanh, năng lực ngôn ngữ,..v..v..Và dĩ nhiên, dù là công việc gì đi nữa thì kỹ năng quan trọng nhất là “khả năng tiếp thu, học hỏi”.


Môi trường làm việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Nếu bạn là một người đam mê thử thách, tìm kiếm một môi trường mà ở đó yêu cầu khả năng làm việc nhóm, năng lực phân tích và giải quyết vấn đề, thích có những trải nghiệm khác nhau thông qua việc tham gia các dự án và có hứng thú với công nghệ thì IT consultant sẽ là một lựa chọn không sai. 

Hiện tại thì cơ hội phát triển của ngành này rất lớn, ở cả thị trường Nhật Bản, Việt Nam và cả thế giới. Sau khi có kinh nghiệm làm vị trí IT consultant rồi thì bạn có thể lựa chọn thăng tiến lên cấp bậc quản lý hay hơn nữa là director, hoặc chuyển sang hướng đi khác là làm chuyên sâu về mảng phân tích dữ liệu (DA), phân tích kinh doanh (BA),...

Lương thưởng cùng chế độ của các công ty consultant nói chung và IT consultant nói riêng được xem ở mức rất là ổn áp, đặc biệt là những công ty thuộc hàng top như NRI, Abeam,...bên công ty thuần Nhật hay McKinsey, Accenture,...bên công ty vốn đầu tư nước ngoài. 

Ví dụ như công ty McKinsey thì sau khi ra trường và vào làm được 3 năm thì đã có thể có được mức 年収 là 1000万 (còn tùy theo năng lực), đến khi bạn lên được cấp bậc quản lý của ngành rồi thì sẽ có chênh lệch rất lớn về mức thu nhập hàng năm.


Lời khuyên dành cho những bạn muốn làm việc trong ngành IT consultant.

Lời khuyên của mình là nếu bạn có hứng thú với công nghệ và công việc consultant thì hẵng ứng tuyển vào ngành này. 

Tuy đây là một ngành đang “hot” ở thời điểm hiện tại và đãi ngộ cũng như cơ hội phát triển ở mức tốt nhưng thay vào đó thì áp lực và cường độ, yêu cầu của công việc cũng khá nặng, nên nếu bạn không thực sự thích thì sẽ nhanh chóng thấy chán và nản, để rồi hoang mang với con đường sự nghiệp mà mình đã chọn. 

Nên bạn hãy xác định rõ điều mà mình muốn làm, năng lực của mình phù hợp với công việc gì và mục tiêu tương lai mà bản thân hướng đến trước khi bắt đầu chuyến hành trình tìm việc nhé, đặc biệt là với những bạn còn là sinh viên và chưa có chút kinh nghiệm 正社員 gì như mình.