Thứ tư, 9 tháng 8 năm 2023 04:40

Lễ hội Obon - Ngày lễ báo hiếu ở Nhật Bản

Lễ hội Obon - Ngày lễ báo hiếu ở Nhật Bản

GoEMON Admin

Nhật Bản được biết đến là một quốc gia với nền văn hóa lâu đời. Gắn liền với đó là những lễ hội và các nghi thức độc đáo đã tạo nên một nét đẹp rất riêng của xứ sở phù tang. Nếu ở Việt Nam có ngày lễ Vu Lan vu báo hiếu thì Nhật Bản có lễ hội Obon. Thường được tổ chức vào giữa tháng 8 nhằm chào đón linh hồn tổ tiên trở về với gia đình, cầu nguyện và bày tỏ lòng thành kính đối với công lao của những người đi trước. Và để hiểu hơn về ngày lễ đặc trưng này hãy cùng GoEMON tìm hiểu về Lễ hội Obon Nhật Bản nhé!


1. Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội Obon

Obon( hay Bon) được xem như là lễ vu lan tại Nhật, vì cũng mang ý nghĩa Phật giáo và đều là tri ân, tưởng nhớ những người thân đã ra đi tương tự ngày lễ vu lan tại Việt Nam.

Lễ hội Obon xuất hiện tại Nhật từ hơn 500 năm trước. Theo truyền thuyết, một người có tên là Mokuren, ông là người tu luyện nhiều năm mang trong mình nhiều phép thuật. Vì nhớ thương người mẹ quá cố, ông đã dùng phép thuật tìm mẹ.



Mokuren nhìn thấy mẹ mình bị đày ải dưới địa ngục vì những tội lỗi bà đã gây ra. Quá xót thương mẹ mình mà ông đã tìm đến Phật Tổ cầu xin. Đức Phật hướng dẫn ông mang lễ vật dâng lên các chư tăng vào ngày 15 tháng 7. Sau khi lễ cúng hoàn thành, linh hồn của mẹ ông đã được siêu thoát. Do quá cảm động nên ông đã vui mừng nhảy múa hết sức mình.

Từ đó, sự tích này trở thành một tục lệ. Người dân hàng năm tổ chức Obon để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên, còn điệu múa trong lễ hội được gọi là Bon Odori. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để đoàn tụ gia đình và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.


2.Thời gian tổ chức Lễ hội Obon Nhật Bản

Ngày lễ Bon kéo dài trong 3 đến 4 ngày, và tùy vào quan niệm của mỗi vùng miền mà ngày đầu tiên sẽ có sự khác nhau.

Shichigatsu Bon (Bon tháng bảy), tổ chức vào ngày 15 tháng 7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku.

Kyu Bon (Bon cũ) tổ chức ngày 15 tháng 7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam.

Hatchigatsu Bon (Bon tháng tám) thì được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng. Thu hút lượng lớn người dân và khách du lịch Nhật Bản tham gia.

3.Các nghi thức trong Lễ hội Obon Nhật Bản

Ngày 12/08: “ Chuẩn bị đón tổ tiên”

Vào ngày trước bắt đầu lễ, người Nhật thường trang trí dưa chuột và cà tím bằng tăm hoặc đũa. Dưa chuột là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”. 

Ngày 13/8: “Mukaebi (Lửa đón)”

Là ngày bắt đầu Obon, người ta sử dụng cành cây gai Ogara để đốt lửa. Lửa biểu tượng cho phần dương, là nơi soi sáng có khói để linh hồn người đã khuất tìm về với gia đình nhanh nhất trên trần gian. 

Ngày 14 - 15/8: "Viếng mộ"

Vào thời gian này các thành viên trong gia đình thường đi viếng mộ. Để tỏ lòng biết ơn đến với tổ tiên họ thường dọn dẹp phần một sạch sẽ, thắp hương, dâng hoa, dâng nước để thờ cúng tổ tiên. Sau đó họ cùng nhau quây quần trò chuyện và cùng nhau ăn uống. 

Ngày 16/8: "Okuribi (Lửa đưa)

Ngày cuối cùng của lễ Obon là lúc tạm biệt tổ tiên. Cũng như phong tục đốt lửa để đón người khuất vào ngày đầu thì ngày cuối lửa cũng một phần không thể thiếu để đưa tiễn tổ tiên về thế giới bên kia. 



Lễ hội Obon lớn nhất sẽ được tổ chức tại cố đô Kyoto, hoạt động nổi bật trong dịp lễ này chính là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn những người đã khuất quay trở về trời. Nghi thức này thu hút rất nhiều người dân cũng như du khách tour Nhật Bản từ khắp các nơi trên thế giới đến tham quan. Tại đây bạn sẽ được ngắm nhìn ngọn lửa chữ Đại cháy rực trên ngọn núi tại Kyoto, tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, ấm áp và hùng vĩ trong đêm hè ở cố đô Nhật Bản. Người Nhật Bản tin rằng ánh sáng ấy sẽ dẫn lối cho các linh hồn quay về trời một cách thanh bình và an lạc. Và sau khi đám lửa đã cháy hết, các điệu múa của Lễ hội Bon sẽ được tổ chức tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. 



Kết thúc buổi lễ hội Obon Nhật Bản là màn biểu diễn pháo bông, thả đèn lồng, thả thuyền hoa đăng trôi trên sông hay dọc các bờ biển với mục đích đưa tiễn linh hồn của tổ tiên, người thân. Đây là một thời khắc rất thiêng liêng và đẹp trong mắt người dân Nhật Bản.


Đây là một nét đẹp văn hóa được xứ Phù Tang gìn giữ đến ngày hôm nay. Nó mang một ý nghĩa rất lớn trong lòng mỗi người dân Nhật Bản. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ hiểu hơn được nét đẹp truyền thống của xứ Phù Tang. Nếu có cơ hội hãy cùng tham gia và hòa mình vào lễ hội OBon để được trải nghiệm cũng như là thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ để người đã khuất nhé!


Follow fanpage GoEMON - Cuộc sống ở Nhật để cập nhật nhanh chóng những chia sẻ hữu ích về cuộc sống đời thường ở Nhật Bản nhé!

Nguồn: Hongngochatravel

Jvnet

#Lễ hội & Sự kiện