Hướng dẫn thủ tục mang thú cưng từ Nhật về Việt Nam
Giới thiệu về những loại giấy tờ cần thiết, các bước cần chuẩn bị, yêu cầu về lồng và một số lưu ý khác

Đối với nhiều người, thú cưng không chỉ đơn thuần là vật nuôi mà chúng còn là những người bạn, người đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống. Khi phải thay đổi công việc hoặc quay về Việt Nam, sẽ khiến bạn rất đắn đo khi phải bỏ lại chúng lại đây.
Chính vì thế, trong bài viết này GoEMON sẽ hướng dẫn cho bạn các thủ tục cần thiết để có thể mang các thú cưng này về cùng bạn.
Những loại giấy tờ nào là cần thiết khi nhập thú cưng về Việt Nam?
- Có hai loại giấy tờ cần thiết khi bạn muốn đưa vật nuôi vào Việt Nam là: Chứng nhận tiêm phòng dại còn hiệu lực và giấy chứng nhận kiểm dịch động vật…v.vv…
- Trên chứng nhận tiêm phòng dại cần có đầy đủ các thông tin sau: số microchip, ngày tiêm phòng và thời hạn hiệu lực tiêm phòng.
- Bác sỹ thú y sẽ kiểm tra và xác nhận vật nuôi của bạn có hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện mắc bệnh có thể lây truyền qua người. Sau đó, cơ quan thẩm quyền của nước xuất phát sẽ đóng dấu trên chứng nhận khổ giấy A4, đi kèm là sổ theo dõi sức khỏe vật nuôi.
- Khi đến sân bay tại Việt Nam, bạn cần trình tất cả những giấy tờ trên cho nhân viên kiểm soát nhập cảnh. Ngoài ra, bạn cần hỏi hãng máy bay mà bạn lựa chọn xem họ có quy định gì về việc vận chuyển vật nuôi hay không.
Các bước cần chuẩn bị khi đưa thú cưng về Việt Nam
- Gắn microchip (chip định danh cá thế)
Microchip cần được cấy dưới da chó, mèo trước khi tiêm mũi phòng dại đầu tiên (hoặc cùng ngày). Microchip cần theo chuẩn ISO 11784 và 11785 (gồm 15 chữ số). Người nuôi cần xác nhận việc đọc được mã microchip bằng thiết bị đọc.
- Chích ngừa và lấy giấy chứng nhận sức khỏe trước khi bay
Hãy chắc chắn rằng các vaccines của thú cưng của bạn được chích đầy đủ, vaccine phải được chích 30-365 ngày trước ngày nhập cảnh.
1 tuần trước khi bay cần đưa thú cưng đi khám sức khỏe và lấy giấy chứng nhận. Bệnh viện thú y sẽ cấp giấy xác nhận tiêm phòng và giấy đảm bảo rằng thú cưng khỏe mạnh, có đủ sức khỏe để bay hay không.
- Về tiêm phòng bệnh dại
Tiêm mũi 1 sau khi chó, mèo ra đời 91 ngày, có thể gắn microchip cùng vào ngày này. Tiêm mũi 2 sau mũi 1 tối thiểu 30 ngày và trong thời gian mà miễn dịch của mũi 1 còn hiệu quả. Nếu thời gian miễn dịch còn hiệu quả của mũi tiêm phòng dại gần nhất bị hết trước ngày bay thì cần tiêm mũi nhắc lại trong thời gian còn miễn dịch. Nên sử dụng vacxin bất hoạt (inactivated / killed virus vaccine) hoặc vacxin tái tổ hợp (recombinant / modified vaccine).
- Xét nghiệm kháng thể bệnh dại
Thực hiện sau mũi tiêm phòng bệnh dại thứ 2 trở đi. Là loại xét nghiệm máu, yêu cầu đơn vị (lượng) kháng thể phải từ 0.5IU/ml trở lên. Thời gian còn hiệu lực của xét nghiệm là 2 năm tính từ ngày lấy máu. Đối với các quốc gia không có cơ sở chỉ định thì người nuôi phải gửi máu (huyết thanh) đến quốc gia có cơ sở được chỉ định để xét nghiệm.
- Chờ trước khi xuất cảnh (trên 180 ngày)
Chó, mèo sau khi chờ đủ 180 ngày (hoặc hơn) từ ngày lấy máu xét nghiệm kháng thể bệnh dại cần phải bay khi còn hiệu lực và trong thời gian còn hiệu quả miễn dịch của mũi tiêm phòng bệnh dại (Ngày lấy máu để xét nghiệm kháng thể bệnh dại tính là ngày thứ 0).
Nếu chưa chờ đủ 180 ngày thì chó, mèo phải thực hiện kiểm dịch lưu giữ tại trạm kiểm dịch động vật trong thời gian còn thiếu. Nếu thời gian còn hiệu quả miễn dịch của mũi tiêm phòng bệnh dại hết trước ngày bay thì nhất định phải tiêm thêm mũi phòng bệnh dại trong thời gian còn hiệu quả miễn dịch.
- Nộp giấy thông báo trước
Người nuôi cần nộp giấy thông báo trước cho trạm kiểm dịch động vật có thẩm quyền ở sân bay/cảng dự định xuất và nhập cảnh (sớm nhất là 40 ngày trước ngày dự định bay). Giấy này cần gửi bưu điện, FAX hoặc qua thư điện tử.
Yêu cầu về lồng
- Theo quy định của IATA thì những người mang thú cưng cần phải đáp ứng tất cả các điều kiện về lồng cho thú cưng như sau:
- Mặt trên cùng cứng cáp.
- Vật liệu bền (nhựa cứng, kim loại, gỗ, v.v..).
- Thông gió tốt.
- Tay cầm hữu dụng ở bên ngoài.
- Được trang bị một ổ khóa để ngăn thú cưng thoát ra và tiếp xúc vật lý.
- Các bánh xe có thể được tháo ra hoặc cố định tại chỗ.
- Kích cỡ thích hợp để thú cưng của quý khách có thể đứng, ngủ, và quay vòng tự do.
- Đáy chống rò rỉ, chẳng hạn như tấm trải cho thú cưng, để ngăn chất lỏng và chất thải tràn ra ngoài.
- Nên cung cấp thảm làm mát, thùng chứa và tấm thích hợp cho nước uống và thức ăn tùy thuộc vào tình trạng của thú cưng và thời gian vận chuyển (không thể cho ăn trong quá trình quá cảnh).
Một số lưu ý khác
- Điều kiện trên máy bay rất khác với môi trường thường ngày của thú cưng. Việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thú cưng, làm chúng yếu, bị thương hoặc thậm chí là tử vong. Vì vậy, trước khi đem thú cưng về cùng thì cần tìm hiểu xem các thú cưng đó có thích hợp để vận chuyển hay không
- Hiện nay có một số hãng hàng không không cho phép mang thú cưng theo cùng. Chính vì vậy, bạn cần tìm hiểu xem hãng hàng không bạn dự tính bay có quy định về thú cưng hay không. Và cần phải thông báo với trước với hãng hàng không để có được những hướng dẫn cụ thể.
- Thú cưng không quen với việc ở trong lồng thú cưng trong một thời gian dài thường dễ bị căng thẳng, vì vậy, bạn nên cho thú cưng làm quen trước khi di chuyển.
- Nếu đây là lần đầu thú cưng của bạn đi máy bay thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y.
Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục mang thú cưng từ Nhật về Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ đem lại những thông tin hữu ích đến các bạn, đặc biệt là những bạn có đam mê nuôi thú cưng nhé!
Follow fanpage GoEMON Việt Nam để cập nhật nhanh chóng những chia sẻ hữu ích về cuộc sống đời thường ở Nhật Bản nhé!