Chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm sinh con tại Nhật Bản
Chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm của mẹ bỉm khi sinh con tại Nhật Bản nhé!
Tác giả bài viết: Chị Phương Hoa
Việc mang thai và sinh con là thiên chức quan trọng của người phụ nữ và là chuyện không hề đơn giản với người nước ngoài tại Nhật. Lần đầu sinh con ở Nhật, mình có rất nhiều lo lắng và bỡ ngỡ khi gặp rào cản về ngôn ngữ, đặc biệt là về thủ tục giấy tờ lại quá nhiều và phức tạp trong khi không có người thân bên cạnh trợ giúp, công việc của người chồng lại quá bận rộn.
Nhưng may mắn thay cả hai lần sinh bé, mình đều trải qua rất suôn sẻ và thuận lợi. Để giúp các bạn hình dung dễ dàng hơn, mình xin chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm sinh con của mình thông qua bài viết này nhé.
1. Quy trình và thủ tục trước và khi sinh con
a) Khi mang thai
- Đầu tiên khi biết mình có thai, các bạn liên hệ với clinic gần nhà nhất để xác nhận, tùy thuộc vào clinic mình chọn mà có thể đăng ký sinh tại clinic đó hay không, như trường hợp nhà mình thì clinic không có điều kiện hỗ trợ sinh nên bên clinic đã giới thiệu mình sang bệnh viện khác.
- Ở Nhật có một điều khác so với Việt Nam là khi bạn mới biết mình mang bầu, bạn không thể liên lạc trực tiếp với bệnh viện để khám thai. Do đó, bước ban đầu, bạn cần phải liên lạc với clinic có dịch vụ khám thai, sau đó clinic sẽ cấp cho bạn một bản giấy giới thiệu, khi có tờ giấy giới thiệu này đến bệnh viện thì mới được đăng ký khám thai định kỳ và sinh nở tại bệnh viện.
b) Kinh nghiệm khi sinh con
- Vẫn là ưu tiên chọn bệnh viện gần nơi mình ở nhất để thuận tiện di chuyển, nếu được các bạn nên chọn viện có khoa nhi kèm theo khoa sản để tiện việc thăm khám sau sinh cho mẹ và bé cũng như là tiêm phòng sau sinh cho bé nhé.
- Khi chắc chắn rằng mình đã có thai, các bạn đến cơ quan hành chính khu vực mình đang sinh sống để nộp giấy khai báo có thai (妊娠届), sau đó cơ quan hành chính địa phương sẽ phát cho bạn Sổ tay mẹ và bé(母子健康手帳). Cuốn sổ này dùng để ghi chép lại kết quả kiểm tra sức khỏe của mẹ khi mang thai, lưu lại quá trình bạn sinh bé, tăng trưởng và phát triển của bé và cả quá trình tiêm phòng của bé nữa. Ngoài ra bạn còn được nhận kèm phiếu hỗ trợ khám thai khi nhận sổ tay mẹ và bé, vì thế việc khám thai định kỳ là rất quan trọng cho cả mẹ và bé đấy nhé!
2. Quy trình và thủ tục sau khi sinh con.
a) Đăng ký khai sinh và làm hộ chiếu cho con tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản
- Trong mục này mình khuyên các bạn muốn nhận được bản gốc Giấy khai sinh (loại giấy có in hoa văn giống Việt Nam) thì bạn nên đăng ký khai sinh trước ở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật. Như trường hợp nhà mình đăng ký khai sinh cho con ở chính quyền địa phương tại Nhật trước nên chỉ nhận được Giấy trích lục khai sinh từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
- Để làm được giấy khai sinh này, ĐSQ sẽ yêu cầu bạn cung cấp giấy chứng sinh gốc được cấp từ bệnh viện, và họ thu không trả lại, các bạn nên xin 2 bản giấy chứng sinh gốc này nhé, vì khi đăng ký làm khai sinh tại Quận, họ cũng thu lại giấy này.
b) Đăng ký khai sinh cho con tại Cơ quan hành chính tại Nhật
- Thời hạn: Trong vòng 14 ngày sau sinh
- Địa điểm đăng ký: Cơ quan chính quyền địa phương kuyakusho (区役所). Thông thường, tờ khai này bạn được nhận từ cơ sở y tế nơi mình sinh con. Sau khi đăng ký giấy khai sinh(出生届), bạn có thể đăng ký luôn Phiếu cư dân( 住民票) và Biên nhận thụ lý đã đăng ký khai sinh(出生届け受理書).
- Kinh nghiệm: Sau này bạn sẽ cần Phiếu cư dân( 住民票) và Biên nhận thụ lý đã đăng ký khai sinh(出生届け受理書) để đăng ký khai sinh cho con tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và làm visa cho con tại Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, vì thế bạn xin mỗi loại 2-3 bản nhé.
c) Các trợ cấp & thủ tục cần thiết sau khi sinh con
- Trợ cấp y tế cho trẻ
- Bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết khi đăng ký khai sinh cho con tại văn phòng Quận kuyakusho(区役所), giấy này có thể lấy cùng ngày cùng nơi đăng ký khai sinh cho con tại Nhật. Giấy này là giấy khám bệnh miễn phí cho bé tại bệnh viện và cơ sở y tế, gọi là 医療券(iryouken).
- Trợ cấp hàng tháng cho trẻ
- Thời hạn: Trong vòng 15 ngày sau sinh. Đây là khoản trợ cấp cho trẻ được nhận hàng tháng. Từ khi mới sinh đến 3 tuổi là 15.000 yên/tháng, từ 3 tuổi đến tiểu học là 10.000 yên/tháng cho trẻ đầu và trẻ thứ 2, từ trẻ thứ 3 trở đi là 15.000 yên/tháng, từ tiểu học đến trung học là 10.000 yên/tháng.
- Địa điểm đăng ký: văn phòng Quận kuyakusho(区役所). Thông thường tiền trợ cấp được thanh toán 4 tháng/lần.
- Đăng ký làm thẻ bảo hiểm cho con
- Thời hạn: Trong vòng 1 tháng sau khi sinh con, bạn nên đăng ký càng sớm càng tốt.
- Địa điểm đăng ký: văn phòng Quận kuyakusho(区役所).
- Xin tư cách lưu trú (visa) cho con tại Cục Xuất Nhập Cảnh.
- Thời hạn: Trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
- Địa điểm: Tại mỗi khu vực có cục quản lý riêng, các bạn tra từ khóa 入国管理局 +Tên vùng để biết thông tin về cục nơi mình sinh sống.
- Kinh nghiệm: Bạn nên chọn người bảo lãnh (bố hoặc mẹ) là người có tư cách lưu trú dài hơn vì thời hạn lưu trú của con thường sẽ tương ứng với thời hạn lưu trú của người bảo lãnh.
Trên đây là bài viết chia sẻ về những kinh nghiệm của bản thân mình sau những lần trải nghiệm sinh con tại Nhật Bản. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các mẹ đang trong quá trình chuẩn bị cho việc sinh con tại đất nước mặt trời mọc nhé!