Học Cách Sinh Tồn Trong Thảm Họa: Ứng Phó Khi Xảy Ra Động Đất Sóng Thần
Học Cách Sinh Tồn Trong Thảm Họa: Ứng Phó Khi Xảy Ra Động Đất Sóng Thần
Tác giả bài viết: Chị Mi Trà
Với một đất nước xảy ra nhiều trận động đất hàng đầu như Nhật Bản, việc trang bị và chuẩn bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cũng như kỹ năng chống động đất là một điều rất cần thiết!
Sau đây, GoEMON xin phép chia sẻ một bài viết rất hữu ích của chị Mi Trà về vấn đề này mà chúng mình nghĩ các bạn phải nên đọc nhé!
Nguồn ảnh: Chị Mi Trà
Mình đã trực tiếp trải qua trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011. Khi ấy, mình đã hai lần tới tỉnh Iwate - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất - để làm tình nguyện viên, hỗ trợ người dân phục hồi sau thảm họa. Để chuẩn bị tốt nhất, mình đã trang bị cho bản thân những kiến thức quan trọng trước khi tham gia.
Từ năm 2012, trong 8 năm, mỗi năm 2 lần đưa các bạn sinh viên đến trung tâm huấn luyện phòng tránh thiên tai, nơi họ có cơ hội trải nghiệm cảm giác động đất và học những kỹ năng đối ứng khi thảm họa xảy ra.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những hướng dẫn thiết thực nhất để đối phó với động đất và sóng thần, cùng với những phản ứng tâm lý thường gặp và các hành động sai lầm mà mọi người dễ mắc phải, dựa trên những kinh nghiệm quý báu mà mình đã tích lũy được qua những năm tháng gắn bó với Nhật Bản.
1. Tâm lý thường gặp trước và trong khi động đất xảy ra
- Lo lắng và hoang mang:
Khi có tin cảnh báo về động đất, nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng quá mức, dẫn đến hoang mang. Họ có thể bắt đầu tưởng tượng về những kịch bản xấu nhất và cảm thấy mất kiểm soát.
- Sợ hãi:
Trong khoảnh khắc động đất diễn ra, nỗi sợ hãi tăng cao, gây ra các phản ứng như hoảng loạn, đóng băng, hoặc chạy trốn một cách thiếu kiểm soát.
- Hành vi mua sắm quá mức cần thiết:
Khi nghe tin cảnh báo, nhiều người có xu hướng đi mua sắm quá mức các nhu yếu phẩm, dẫn đến tình trạng khan hiếm và tạo thêm sự căng thẳng cho xã hội. Nó cũng có thể khiến người khác không có đủ nhu yếu phẩm cần thiết.
- Định kiến về an toàn:
Một số người có thể tin rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi thảm họa, dẫn đến việc chậm trễ trong việc sơ tán hoặc không tuân thủ các chỉ dẫn an toàn.
- Tập trung vào tài sản cá nhân: Một số người lo lắng về việc bảo vệ tài sản cá nhân, dẫn đến việc quay lại nhà hoặc cố gắng thu thập đồ đạc, điều này có thể đặt họ vào nguy hiểm lớn hơn.
2. Những hành động sai lầm dễ gặp
- Chạy ra ngoài ngay lập tức:
Trong khi trực giác mách bảo rằng cần phải thoát ra ngoài nhanh chóng. Việc chạy ra ngoài ngay lập tức có thể gây nguy hiểm vì bạn có thể bị thương do vật rơi từ các tòa nhà, cây cối hoặc cột điện. Thay vì đó, (có trường hợp cửa ko mở được do ảnh hưởng của rung lắc) nên mở cửa lớn, cửa sổ để có lối thoát hiểm khi cần và tìm nơi an toàn để trú ẩn trong nhà.
- Sử dụng thang máy:
Trong tình huống khẩn cấp như động đất, sử dụng thang máy có thể là một sai lầm chết người do nguy cơ bị kẹt hoặc mất điện. Hãy luôn luôn sử dụng cầu thang bộ.
- Không tuân theo chỉ dẫn:
Bất chấp các cảnh báo và chỉ dẫn từ cơ quan chức năng, một số người có thể không tuân thủ đúng các quy tắc an toàn do suy nghĩ chủ quan rằng mình sẽ không bị ảnh hưởng.
3. Gợi ý những đồ cần chuẩn bị khi có động đất xảy ra
Để chuẩn bị tốt nhất cho tình huống động đất, bạn nên chuẩn bị một bộ đồ dự phòng bao gồm các vật dụng thiết yếu dưới đây:
- Nước uống: Bởi một số nơi sẽ bị cắt nước khi có thiên tai. Dự trữ ít nhất 3 lít nước mỗi người mỗi ngày, đủ dùng trong ít nhất 3 ngày.
- Thực phẩm khô: Các loại thức ăn đóng hộp, thanh năng lượng, và các thực phẩm không cần chế biến, đủ cho ít nhất 3 ngày.
- Đèn pin và pin dự phòng: Đèn pin rất quan trọng trong trường hợp mất điện. Đừng quên mang theo pin dự phòng.
- Radio cầm tay: Radio chạy bằng pin hoặc quay tay để theo dõi các thông tin cập nhật từ chính quyền. Năm 2011, mạng điện thoại, internet đã không thể truy cập được nên rất nhiều người đã bị nạn bởi không cập nhật được thông tin.
- Dụng cụ sơ cứu: Một bộ sơ cứu cơ bản với băng, gạc, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, và bất kỳ loại thuốc đặc trị nào mà bạn hoặc gia đình cần.
- Quần áo và chăn mỏng: Chuẩn bị quần áo đủ ấm và dễ di chuyển, cùng với chăn mỏng để giữ ấm.
- Tiền mặt: Trong trường hợp không thể sử dụng thẻ ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán điện tử, tiền mặt sẽ rất hữu ích.
- Giấy tờ quan trọng: Các giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, hợp đồng bảo hiểm, và các tài liệu quan trọng khác nên được cất giữ trong túi chống nước.
- Dụng cụ sinh tồn: Dao đa năng, bật lửa, và túi ngủ nếu phải di chuyển xa khỏi nơi cư trú.
Tất cả cho vào 1 ba lô để khi cần xách lên là đi thôi.
- Cập nhật địa chỉ lánh nạn gần nhất: Ở Nhật Bản, các địa điểm lánh nạn (避難場所, hinan basho) thường được bố trí ở những nơi an toàn và dễ tiếp cận trong cộng đồng. Các địa điểm này thường là trường học (学校, gakkou), Công viên lớn (公園, kouen), Trung tâm cộng đồng (コミュニティセンター, komyuniti sentā), Nhà thi đấu (体育館, taiikukan), Khu vực đất cao (高台, takadai), Trụ sở hành chính địa phương (市役所, shiyakusho).
Mỗi địa phương ở Nhật đều có bản đồ và chỉ dẫn cụ thể về các địa điểm lánh nạn, và các thông tin này thường được cập nhật và phổ biến cho người dân. Bạn nên tìm hiểu trước và ghi nhớ các địa điểm lánh nạn gần nơi bạn sống để có thể nhanh chóng đến đó khi cần.
4. Hình thức liên lạc
Trận động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến nhiều người không thể liên lạc được với người thân trong thời gian dài, dẫn đến sự hoang mang và lo lắng.
Dưới đây là một số bước bạn nên thực hiện để đảm bảo an toàn và giữ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp:
- Thống nhất một địa điểm gặp mặt:
Trước khi có thảm họa xảy ra, hãy cùng gia đình và người thân thống nhất một hoặc hai địa điểm gặp mặt trong trường hợp không thể liên lạc được. Những nơi này nên là các địa điểm lánh nạn đã được xác định trước, như trường học, công viên, hoặc các trung tâm cộng đồng gần nhà.
- Thiết lập các quy tắc liên lạc:
Thống nhất cách thức thông báo vị trí và tình trạng của mình với gia đình khi đi xa. Nếu có thể, hãy thông báo vị trí của bạn định kỳ qua điện thoại hoặc các ứng dụng nhắn tin.
- Lưu trữ thông tin liên lạc quan trọng:
Mỗi thành viên trong gia đình nên có danh sách số điện thoại, địa chỉ của người thân, bạn bè, và các địa điểm lánh nạn trong trường hợp không thể sử dụng điện thoại di động hoặc Internet.
- Chuẩn bị phương án liên lạc dự phòng:
Trong trường hợp các mạng điện thoại di động bị gián đoạn, hãy cân nhắc sử dụng các dịch vụ tin nhắn khẩn cấp, các ứng dụng nhắn tin không cần mạng di động, hoặc các thiết bị liên lạc qua sóng radio.
- Thường xuyên thông báo vị trí:
Khi đi xa, đặc biệt là trong thời gian có nguy cơ xảy ra thiên tai, hãy thường xuyên thông báo vị trí của mình cho gia đình hoặc người thân. Điều này giúp người thân dễ dàng xác định được nơi bạn có thể đang ở nếu liên lạc bị gián đoạn.
Những bước này không chỉ giúp tăng cường sự an toàn cho bạn và gia đình trong tình huống khẩn cấp, mà còn giúp giảm thiểu lo lắng và căng thẳng khi xảy ra thảm họa.
5. Cách đối ứng khi có động đất xảy ra
- Giữ bình tĩnh: Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy cố gắng giữ bình tĩnh để có thể suy nghĩ rõ ràng và đưa ra quyết định đúng đắn.
- Tìm nơi trú ẩn: Nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn như dưới bàn chắc chắn, đứng cạnh tường chịu lực hoặc trong khu vực không có vật nặng có thể rơi xuống.
- Theo dõi thông tin: Ngay khi có thể, bật radio, tivi hoặc thiết bị di động để theo dõi tình hình và các chỉ dẫn từ cơ quan chức năng.
- Chuẩn bị sơ tán: Nếu có nguy cơ sóng thần sau động đất, hãy sẵn sàng sơ tán ngay lập tức. Đi đến các vùng đất cao hơn và tránh xa bờ biển.
- Kiểm tra tình trạng của người khác: Nếu có thể, kiểm tra tình trạng của những người xung quanh và giúp đỡ họ nếu cần.
Động đất và sóng thần là những thảm họa tự nhiên không thể đoán trước, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị và đối phó hiệu quả nếu hiểu rõ về các phản ứng tâm lý và có những kế hoạch hành động cụ thể. Việc chuẩn bị trước một cách cẩn thận không chỉ giúp bảo vệ bạn và gia đình, mà còn góp phần làm giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng xung quanh.
Cầu mong bình an sẽ đến với tất cả chúng ta