KINH NGHIỆM DẠY THÊM TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NHẬT
Những công việc hoạt động đầu óc luôn là một trong những công việc được ưa chuộng nhất. Đối với mình, từ lúc bước chân sang Nhật Bản thì việc dạy thêm Tiếng Việt cho người Nhật là công việc mình thích nhất. Và đây là bài viết chia sẻ về kinh nghiệm mà mình đi dạy thời gian vừa qua.
Hiện tại mình có chứng chỉ JLPT N2, chứng chỉ tiếng Nhật thương mại BJT trình độ J1, bằng TOEIC 890 và ngoài ra bản thân mình còn sở hữu thêm một bằng IELTS 6.5. Với những bằng cấp hiện có của mình giúp mình cảm thấy tự tin hơn trong việc đi dạy.
1. Làm thế nào để tìm được việc dạy thêm tiếng Việt cho người Nhật?
Để có thể dễ dàng tìm kiếm một công việc dạy thêm như mong muốn bạn có thể truy cập vào các trang Web như Hello Sensei, Ennjoy Lesson, sau đó để lại profile cá nhân và tìm kiếm học viên trên đó. Hoặc tìm trên Web trung tâm quốc tế của tỉnh, thành phố như: International Center, Association,...
Bên cạnh đó, Hello Work cũng là một trang web cung cấp đa dạng các công việc làm thêm cho các người nước ngoài trong đó lương cho công việc dạy thêm khá cao,... Hiện nay, cũng nổi lên rất nhiều trang Web cung cấp cho các bạn những công việc rất uy tín.
2. Cần điều kiện gì để có thể đi dạy thêm?
Đi dạy thêm thì cần phải có những gì? Đây cũng chính là câu hỏi mình gặp được rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
- Theo như bản thân mình biết thì điều kiện chung đầu tiên đó chính là bạn cần phải có kinh nghiệm giảng dạy.
- Nếu đi dạy tiếng Việt thì có nhiều trung tâm yêu cầu trình độ tiếng Nhật từ N2 trở lên để có thể dễ dàng giao tiếp tiếng Nhật.
- Với điều kiện để có thể đi dạy tiếng Anh thì sẽ yêu cầu bạn phải có các chứng chỉ TOEIC, TOEFL. Tùy thuộc vào trung tâm mà sẽ đưa ra những điều kiện khác nhau một chút. Có một vài trung tâm dạng Eikaiwa thì họ sẽ chỉ nhận native speaker. Còn nếu bạn muốn làm việc với tư cách là Assistant Language Teacher thì nên đăng ký vào một vài trường mầm non, trường tiểu học thì họ sẽ nhận non- native speaker, yêu cầu bạn phải có bằng TOEIC 800 trở lên và bạn phải có khả năng giao tiếp tối thiểu để đáp ứng cho việc giảng dạy của mình.
3. Các công việc phải làm?
Theo như kinh nghiệm của bản thân mình thì khi đi dạy các bạn cần phải soạn bài và chuẩn bị bài giảng. Vì tùy thuộc vào trung tâm có chỗ sẽ có giáo trình sẵn, chỗ thì sẽ không có sách giáo khoa hay giáo trình gì cả. Mà bạn phải tự tìm hiểu và chuẩn bị nội dung bài giảng của mình. Ngoài ra, các bạn còn phải làm đề kiểm tra, hỗ trợ học sinh ôn thi cho các kỳ thi năng lực.
Nếu làm Assistant ở các trường tiểu học, thì công việc chính của các bạn là hỗ trợ các thầy cô giáo người Nhật dạy tiếng Anh. Chủ động xây dựng các nội dung giao tiếp với học sinh. Không chỉ vậy, các bạn cũng cần phải chuẩn bị các phần nội dung khác, có thể là tranh ảnh hay PowerPoint… để giới thiệu cho phần giao lưu tìm hiểu văn hóa nước ngoài trong tiết học.
4. Đi dạy thêm tiếng Việt có mất nhiều thời gian không?
Theo ý kiến cá nhân của mình, lúc mới đầu khi bạn chưa có kinh nghiệm thì việc đi dạy sẽ mất khá nhiều thời gian một chút. Vì bạn cần bỏ thời gian để tìm kiếm thông tin, tài liệu, chuẩn bị bài giảng. Nhưng sau một thời gian, đã quen với công việc và có nhiều kinh nghiệm hơn, thì nó sẽ không mất quá nhiều thời gian của bạn. Ngoài ra, nếu bạn có nền tảng kiến thức chắc chắn thì sẽ càng có lợi thế về mặt thời gian.
5. Cân bằng thời gian đi dạy và thời gian học như thế nào?
So với một vài việc part-time khác thì mình nhận thấy công việc đi dạy sẽ nhẹ nhàng hơn, không khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau mỗi khi kết thúc giờ làm. Do đó, khi đi dạy về mình vẫn còn tỉnh táo và thời gian để làm một số công việc khác hoặc học tập thêm.
Đối với yêu cầu của việc đi dạy là cần phải có nền tảng kiến thức chắc chắn. Do đó việc bổ sung thêm kiến thức là điều rất cần thiết. Mình thường tranh thủ những khoảng thời gian rảnh, ngồi trên tàu, hay khoảng thời gian trống tiết, giải lao tại trường để đọc, và cập nhật thêm tin tức hay ho có thể áp dụng vào bài giảng của mình, rồi vạch ra trước một vài nội dung cho bài giảng. Thông thường, mình sẽ dành khoảng 3 tiếng buổi tối và 2 tiếng buổi sáng cho việc tự học của mình. Nếu hôm nào có lịch dạy thì mình sẽ dành thêm khoảng 40 phút của tối hôm trước để xem và chuẩn bị bài dạy hoàn chỉnh.
6. Chia sẻ về quá trình dạy tiếng của mình
Bản thân mình đi dạy cũng khá lâu, mình thấy công việc này cho mình có cơ hội được học hỏi và xây dựng thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp và có ích cho mình sau này.
Mình bắt đầu công việc dạy đầu tiên là dạy tiếng Việt ở trung tâm ngoại ngữ. Ban đầu mình thường dạy các lớp man to man thôi, học sinh của mình đa số là giám đốc công ty, cô giáo, tiếp viên hàng không thậm chí có cả cảnh sát nữa. Lúc đầu mình cũng khá lo lắng vì mình chỉ từng có kinh nghiệm dạy cho học sinh cấp 1, cấp 2 và cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người có ngành nghề cao như vậy. Do đó, mình luôn cố gắng chuẩn bị bài giảng sao cho nội dung dễ hiểu, phong phú, tạo hứng thú học cho học sinh. Xuyên suốt quá trình dạy mình cũng thường xuyên bắt chuyện, tạo cảm giác gần gũi với học sinh của mình hơn.
Dần dần mình bắt đầu nhận được nhiều đánh giá tích cực về giờ học của mình, rồi mình mạnh dạn nhận dạy các nhóm lớn hơn, apply đi dạy các khóa học lớn cho người dân trong thành phố thông qua các trung tâm giao lưu quốc tế. Những học sinh của mình cũng rất hứng thú với tiếng Việt, họ luôn cố gắng đạt được chứng chỉ năng lực tiếng Việt trình độ 4,5.
Ngoài công việc dạy thêm tiếng Việt thì mình cũng apply đi làm thêm trợ giảng tiếng Anh, đi dạy và giới thiệu giao lưu văn hóa với các em học sinh tiểu học. Thỉnh thoảng mình còn nhận được lời mời đi dạy các tiết học đa ngôn ngữ của trường Senmon. Đối với mình, mỗi lần đi dạy như vậy là một cơ hội cho mình trau dồi và học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là nó hỗ trợ trong việc học ngoại ngữ của mình, trau dồi củng cố lại kĩ năng tiếng Anh và tự hào hơn là mình có thể mang được tiếng Việt tới với bạn bè quốc tế.
7. Những lưu ý trong quá trình đi dạy thêm
- Tại các trung tâm thường có tiết học thử miễn phí hoặc chi phí rẻ hơn một nửa. Tiết học đó chính là tiết học sẽ quyết định học sinh có đăng kí học hay không. Do đó, để có thể tạo ấn tượng tốt, bạn cần chuẩn bị giáo án kĩ càng, nắm bắt được ưu - nhược điểm của học sinh để đưa ra định hướng giảng dạy và khiến học sinh có hứng thú với bạn cũng như tiết học.
- Để có thể giải đáp được những câu hỏi do học sinh đặt ra thì bạn cần phải tìm hiểu, chuẩn bị bài giảng kỹ càng, liên tục bổ sung kiến thức.
- Điều quan trọng để có thể đứng trước nhiều học sinh chính là bạn cần phải tự tin vào bản thân. Cố gắng rèn luyện khả năng tiếng Nhật và tác phong ăn mặc gọn gàng kín đáo để học sinh có ấn tượng tốt về mình.
Trên đây là những kinh nghiệm mà mình tích lũy lại sau một thời gian đi dạy tại Nhật. Mình muốn chia sẻ những thông tin này đến các bạn, hy vọng nó sẽ hữu ích đối với những bạn đang có ý định đi dạy thêm tại Nhật Bản.
Để có thể biết thêm các thông tin, tin tức mới bạn có thể theo dõi fanpage GoEMON Việt Nam. Ngoài ra, nếu có thêm những thắc mắc bạn cũng có thể chia sẻ tại GoEMON để được các bạn hỗ trợ nhé!