Thứ sáu, 24 tháng 2 năm 2023 12:13

Hướng dẫn các cách vượt qua mùa phấn hoa

Đây là thời điểm mà mùa phấn hoa ùa về làm cho nhiều người bị dị ứng. Vậy nên, hãy đọc bài viết dưới đây để có thể lưu được những tips quan trọng để vượt qua mùa phấn hoa này nhé!

GoEMON Admin
Vào khoảng thời gian này, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy từ “Kafunsho – dị ứng phấn hoa” tại Nhật Bản. Trước kia vào mùa đông có rất nhiều người đeo khẩu trang để phòng tránh “Covid19” hay “Cúm” còn bây giờ khi mùa xuân đến, gần như cả thành phố đang đeo khẩu trang vì “Dị ứng phấn hoa”.
Vậy nên, hãy cùng GoEMON tìm hiểu “Các cách vượt qua mùa phấn hoa ở Nhật”. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn lưu được các tips cần thiết để phòng tránh dị ứng phấn hoa cho bản thân và người thân của mình nhé!

1. Dị ứng phấn hoa (Kafunsho) là gì? Dị ứng phấn hoa là hiện tượng thường gặp, đặc biệt là vào mùa hoa nở. Phản ứng dị ứng xảy ra là do hệ miễn dịch nhận diện phấn hoa là một phần tử lạ xâm nhập vào cơ thể, cần phải được tiêu diệt. Việc tiết ra các chất tiêu diệt phấn hoa đã gây ra các triệu chứng dị ứng tạo cảm giác khó chịu với nhiều người.

2. Những triệu chứng của dị ứng phấn hoa:

  • Mẩn ngứa, chảy nước mũi, tắc hay nghẹt mũi.
  • Hắt hơi.
  • Chảy nước mắt, bị đỏ mắt.
  • Mắt bị ngứa, đỏ, sưng tấy, xuất hiện bọng mắt.
  • Miệng và cổ họng bị rát.
  • Mẩn ngứa trên da.
  • Ho liên tục.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm khả năng cảm nhận mùi vị.

3. Các cách phòng tránh dị ứng phấn hoa ở Nhật:

  • Đeo khẩu trang: Bạn có thể bắt đầu với một mẹo đơn giản nhưng hiệu quả là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Khẩu trang là giải pháp đơn giản và dễ dàng nhất vì có thể ngăn chặn được phấn hoa ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của bạn.
  • Đeo kính phòng ngừa phấn hoa: Đối với nhiều người, mắt bị dị ứng nhức và đỏ còn khó chịu hơn cả mũi và miệng. Không những thế, mỗi sáng thức dậy, ghèn mắt dính chặt đến nỗi không thể mở mắt nếu không chườm bằng nước ấm. Chính vì thế ngoài khẩu trang, bạn hãy đeo thêm kính phòng ngừa phấn hoa nữa nhé.
  • Kiểm tra mức độ phấn hoa trong không khí: Việc đầu tiên và đơn giản nhất bạn cần làm để đảm bảo có một cuộc sống thường nhật tốt hơn trong mùa Kafunsho đó là kiểm tra mức độ phấn hoa. Vào những ngày có hàm lượng phấn hoa cao trong không khí, bạn nên hạn chế ra ngoài càng nhiều càng tốt, hạn chế phơi quần áo ra ngoài trời và hạn chế mở cửa sổ nếu có thể.

Bạn cần nhớ rằng hàm lượng phấn hoa trong không khí thường nhiều hơn khi tiết trời ấm lên, đặc biệt vào ngày nắng đầu tiên sau ngày mưa và trong những ngày nắng có gió và không khí khô.

  • Vệ sinh nhà cửa để loại bỏ phấn hoa: Việc lau nhà bằng khăn ẩm hoặc bằng cây lau nhà cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để làm sạch phấn hoa trong nhà. Việc này còn hiệu quả hơn là dùng máy hút bụi và khăn lau bụi thông thường vì chúng càng khiến cho phấn hoa lan ra xung quanh nhiều hơn.
  • Lựa chọn quần áo phù hợp trong mùa Kafunsho: Bạn cũng nên ghi nhớ rằng vải bông mịn và vải tổng hợp là đồng minh của bạn vì chúng ít bị bám phấn hoa hơn. Tuy nhiên, một số phấn hoa vẫn có thể dính vào quần áo của bạn, nên nhớ thay đồ ngay khi bước vào nhà và lý tưởng nhất là tắm ngay sau khi đi từ bên ngoài về.
  • Không phơi áo quần, chăn đệm ra ngoài trời: Để tránh phấn hoa dính vào áo quần và chăn đệm, có thể phơi áo quần trong nhà hoặc có thể dùng máy sấy áo quần. Việc phơi áo quần trong nhà còn có tác dụng tránh bị dính cát vàng bay từ Trung Quốc sang vào mùa này.
  • Sử dụng máy lọc không khí: Dù bạn ở nhà và không ra đường thì vẫn không thể thoát khỏi việc tiếp xúc với phấn hoa. Khi bạn mở cửa hay dùng máy điều hòa, tuy không nhiều nhưng vẫn có một lượng phấn hoa theo không khí tràn vào và đủ làm bạn khó chịu. Với trường hợp này, một chiếc máy lọc không khí sẽ là giải pháp phòng tránh dị ứng phấn hoa vô cùng hiệu quả.
  • Uống trà Sugi: Đây gọi là phương pháp lấy độc trị độc. Trước mùa phấn hoa tầm 2 tháng, bạn hãy bắt đầu uống loại trà này thay cho nước lọc. Loại trà này khá dễ uống nên việc thực hiện cách phòng chống dị ứng này cũng rất đơn giản và hiệu quả.

4. Biện pháp điều trị khi dị ứng phấn hoa ở Nhật:

*Xin đơn thuốc điều trị bệnh dị ứng phấn hoa ở phòng khám y tế: Nếu bạn gặp phải các triệu chứng dị ứng phấn hoa nghiêm trọng, bạn có thể đến các phòng khám y khoa tại Nhật Bản để kiểm tra sức khỏe. Tại đó bạn cũng có thể yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc điều trị cho mình.

*Gợi ý một số phòng khám

  • 耳鼻咽喉科 (jibinkouka) hoặc 耳鼻科  (jibika) là những phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán và điều trị các triệu chứng của viêm mũi họng như hắt hơi, ngạt mũi và viêm họng.
  • 眼科 (ganka) là các phòng khám nhãn khoa. Đây là nơi bạn cần đến nếu bị các triệu chứng dị ứng trên mắt, gây nên các hiện tượng như viêm kết mạc, mắt bị ngứa, mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt hoặc mí mắt bị sưng.
  • 内科 (naika) là phòng khám đa khoa, họ có thể đưa ra các chỉ định điều trị nội khoa để chữa trị các triệu chứng cảm cúm hoặc dị ứng phấn hoa.
  • アレルギー科 (arerugii) là các phòng khám chuyên về dị ứng. Đây là nơi có các bác sĩ là các chuyên gia về dị ứng được Cộng đồng dị ứng học Nhật Bản cấp chứng chỉ.
  • 小児科  (shonika) là các phòng khám nhi, nơi chăm sóc y tế dành cho trẻ nhỏ và là nơi bạn có thể đưa con mình đến khám nếu các bé bắt đầu mắc các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa.

*Biện pháp điều trị dài hạn dành cho các triệu chứng Kafunsho nghiêm trọng:  Giải pháp thông dụng nhất và có tác dụng hiệu quả lâu dài cho dị ứng phấn hoa là “liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị nguyên” (AIT) hay còn được gọi là “liệu pháp làm giảm sự mẫn cảm”.

“Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị nguyên” có thể làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh và sự phụ thuộc vào các can thiệp y tế thường xuyên thông qua việc đưa vào cơ thể một cách có kiểm soát chất dị nguyên với liều lượng tăng dần thông qua đường tiêm truyền, thuốc uống, xịt hoặc thuốc giọt, qua đó dần dần thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch. Có hai liệu pháp AIT:

  • Tiêm dưới da (SCIT): Là liệu pháp tiêm các chất dị nguyên vào cơ thể. Việc này phải được thực hiện bởi các chuyên gia y tế nên bệnh nhân sẽ phải thường xuyên tới bác sĩ để tiêm. Việc tiêm chất dị nguyên ban đầu sẽ được thực hiện hàng tuần với liều tăng dần trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng. Sau giai đoạn này, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục tiêm nhắc lại hàng tháng trong khoảng thời gian từ 3 – 5 năm.
  • Thuốc ngậm dưới lưỡi (SLIT): Đây là việc nhỏ giọt hoặc ngậm viên thuốc chứa chất dị nguyên dưới lưỡi trong vòng 1 – 2 phút rồi sau đó nuốt vào bụng. Theo liệu pháp này, bệnh nhân sẽ không phải tới các phòng khám y khoa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ địa, người bệnh sẽ phải thực hiện uống thuốc với liều lượng từ 3 ngày/tuần cho tới 1 lần/ngày. Tổng thời gian điều trị theo phương pháp này là 3 – 5 năm.

*Biện pháp khác để giảm nhẹ triệu chứng của dị ứng phấn hoa: Những biện pháp này không trực tiếp chữa được bệnh dị ứng phấn hoa và có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, đây là các cách bạn có thể sử dụng để giảm bớt sự mệt mỏi và căng thẳng trong mùa dị ứng phấn hoa, góp phần nâng cao thể trạng của bạn để chống chọi qua mùa phấn hoa và các triệu chứng kinh khủng của bệnh.

  • Sử dụng tinh dầu: Một số loại tinh dầu như dầu khuynh diệp hay dầu bạc hà có thể giúp bạn thông mũi và giảm nhẹ tình trạng ngạt mũi.
  • Châm cứu: Việc điều trị châm cứu thường xuyên hàng tuần có thể giảm nhẹ các triệu chứng của dị ứng phấn hoa như nghẹt mũi, hắt hơi, sưng mắt hay mệt mỏi.
  • Men vi sinh: Bạn có thể uống các loại men vi sinh để khắc phục các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lợi khuẩn này có tác dụng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa.
Bài viết trên GoEMON đã giúp các bạn tìm hiểu “Các cách vượt qua mùa phấn hoa ở Nhật”. Hy vọng bài viết có thể giúp các bạn bỏ túi được những tips cần thiết để có thể vượt qua được mùa phấn hoa này.
Bạn nào đã từng dị ứng phấn hoa mà có sử dụng các loại thuốc hay biết có tips gì hiệu quả, thì có thể comment ở phần bên dưới để các bạn khác cùng biết nhé!
Follow fanpage GoEMON Việt Nam để cập nhật nhanh chóng những chia sẻ hữu ích về cuộc sống đời thường ở Nhật Bản nhé!

Nguồn: tsunagu Local

#Khác#Sức khỏe và y tế#Mẹo vặt