Chia sẻ về phương pháp học tiếng Nhật
Chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp học tiếng Nhật.

Trong số đầu tiên, GoEMON đã liên lạc được với bạn Thảo - Một nhân vật quen thuộc trong các bài viết của GoEMON. Cùng đón xem những chia sẻ của Thảo trong hành trình đạt được N3 nhé!
GoEMON: Xin chào Thảo, Thảo có thể giới thiệu về bằng cấp tiếng Nhật cao nhất mà e đã đạt được.
T: Bằng tiếng Nhật cao nhất của em là bằng N3, hiện tại thì em đang học thêm để đầu tháng 12 này thi N2 ạ.
GoEMON: Thảo có thể chia sẻ với quý độc giả về phương pháp học tập để đạt được N3 không?
T: Ở đây thì em sẽ chia ra cách học của em cho từng kỹ năng/phần của bài thi JLPT ạ.
Kanji: Em vừa thích kanji nhất mà cũng vừa ghét kanji nhất luôn. Thích là vì học kanji rất thú vị vì có âm Hán Việt nên mình cũng liên hệ được khá nhiều với tiếng Việt. Ghét là vì có nhiều, quá nhiều, học mãi không hết. Chưa kể còn có quá nhiều chữ giống nhau, và cũng có quá nhiều cách đọc nên học rất dễ nản. Với Kanji thì phương pháp học của em là:
- Học để viết được. Thực ra JLPT không yêu cầu thi viết, nên có nhiều người học Kanji chỉ để nhớ mặt chữ thôi chứ không phải để viết. Nhưng đối với cá nhân em thì em thấy việc viết được Kanji sẽ giúp mình nhớ được từ lâu hơn, cũng như khó bị lẫn với những từ có cách đọc/viết tương đồng hơn.
- Học cả âm Hán Việt của từ, cũng như học các bộ chữ Hán cơ bản. Như vậy thì nhiều khi cho dù không biết cách đọc nhưng mình vẫn có thể đoán được nghĩa của từ đó.
Từ vựng và ngữ pháp:
- Với từ vựng và ngữ pháp thì em thường học bằng flashcard. Thay vì học nhồi nhét thì em thường chia ra mỗi ngày học khoảng 20-30 từ mới, 5-7 mẫu câu mới, sau đó thì liên tục ôn lại ở các ngày tiếp theo để nhắc lại. Bằng cách đó thì sau một thời gian mình sẽ tự động nhớ được các từ đó mà không cần liên tục ôn lại nữa.
Nghe hiểu:
- Cá nhân em thì thường lên youtube xem video tiếng Nhật để làm quen với tốc độ nói cũng như cách nói chuyện của người Nhật. Nếu video có phụ đề tiếng Nhật thì mọi người cũng có thể bật lên, nếu có phần nào nghe không hiểu hay không nghe được thì nhìn lại phụ đề để đọc. Mọi người có thể nghe news, hay chọn những video về sở thích của mình để xem. Như vậy thì sẽ tạo được động lực hơn.
- Ví dụ như cá nhân em thì thường xem những vlog chia sẻ về cuộc sống hằng ngày ở nhật, hoặc xem stream của các gamer Nhật. Như vậy thì không chỉ vốn từ của mình sẽ mở rộng mà khả năng nghe hiểu cũng mình cũng sẽ được cải thiện. Đồng thời thì đây cũng giống như là giải trí chứ không phải học theo kiểu sách vở truyền thống, nên bản thân cũng sẽ đỡ chán/nản hơn ạ.
Đọc hiểu:
- Cố gắng đọc nhiều nhất có thể, từ việc luyện đọc truyện/tin tức/báo bằng tiếng Nhật cho tới việc luyện đọc từ các đề JLPT cũ của các năm trước. Em thấy phần này là cần nỗ lực nhất luôn, vì thường mọi người (cũng như em), cứ thấy Kanji là nản với lười đọc nên thường né luyện đọc hiểu khá nhiều.
Một điều nữa cũng rất quan trọng đó chính là phải đặt ra mục tiêu nhất định cho bản thân, cũng như là một kế hoạch học hợp lý. Không nên học quá nhiều, quá dồn dập mỗi ngày mà thay vào đó nên chia lẻ ra. Mỗi ngày học một chút, đồng thời kết hợp với việc ôn tập đều đặn thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nhiều, cũng như giảm thiểu việc nản học hay học quá sức.
GoEMON: Trong quá trình học, Thảo có gặp khó khăn gì không?
T: Về khó khăn thì em thấy có 3 khó khăn chính.
- Khó khăn đầu tiên là cân bằng thời gian học tiếng Nhật với thời gian học ở trường. Hồi cấp 3 thì em học trường chuyên (môn chuyên không phải tiếng Nhật), việc học ở trường vốn cũng khá nặng và căng thẳng, nhiều bài tập về nhà và bọn em cũng phải tự học khá nhiều nếu muốn theo kịp bài vở trên lớp. Vậy nên khi xong việc học ở trường thôi là em cũng đã mệt lả rồi, không muốn tự học thêm tiếng Nhật nữa.
- Khó khăn thứ hai là việc học tiếng Nhật cũng tương đối nặng. Nếu học chỉ để vừa đủ điểm đỗ thì rất dễ, nhưng nếu học để thực sự giao tiếp được với người Nhật và để đạt điểm cao thì yêu cầu khá cao và tốn nhiều công sức.
- Từ đó thì sẽ dẫn tới khó khăn thứ ba, đó chính là dễ nản. Nhiều kanji quá nên nản, nhiều từ mới quá nên nản, đọc không hiểu gì nên nản, nghe không ra người Nhật đang nói gì nên nản, và vô vàn những lý do ngoài lề khác nữa ạ.
GoEMON: Vậy cách Thảo đã giải quyết những khó khăn đó như thế nào?
T: Em cố gắng không đặt nặng vấn đề học tiếng Nhật, có thể kết hợp việc học trong lúc giải trí (ví dụ như xem vlog hay stream, đọc truyện, báo bằng tiếng Nhật).
Mình cứ xem việc học tiếng Nhật sao cho thật thoải mái, đừng nên đặt nặng quá vì như thế thì bản thân sẽ rất dễ bị quá tải và sợ/chán tiếng Nhật. Đồng thời thì việc đặt ra mục tiêu rõ ràng, cũng như một thời gian biểu hợp lý, đều đặn cũng sẽ rất có ích.
GoEMON: Em có lời khuyên gì cho các bạn không?
T:
- Phải set mục tiêu rõ ràng
- Tạo thời gian biểu hợp lý, học không nên dồn dập mà đều đặn mỗi ngày 1 chút, kết hợp với ôn luyện, kiểm tra
- Kết hợp việc học tiếng Nhật vào thời gian giải trí
- Và quan trọng nhất là không được lười!
Gợi ý một vài website dùng để học tiếng Nhật:
- Web luyện đọc tin tức tiếng Nhật: https://www3.nhk.or.jp/news/easy/
- Web tạo flashcard: https://quizlet.com/
- Youtube channel luyện nghe tiếng Nhật: https://www.youtube.com/user/Dogen
Theo dõi fanpage GoEMON Việt Nam để xem thêm nhiều bài viết hữu ích cho cuộc sống tại Nhật Bản.