Thứ bảy, 3 tháng 9 năm 2022 09:54

Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng chương trình Global 30 Đại học Nagoya

Giới thiệu sơ lược về Nagoya University và chương trình Học bổng Global 30. Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng G30 Đại học Nagoya.

GoEMON Admin
Chương trình học bổng G30 là cơ hội tốt dành cho các bạn chuẩn bị du học hay đang tìm học bổng du học Nhật Bản. Với mong muốn được gửi đến độc giả cái nhìn rõ hơn về quá trình nộp hồ sơ và cách thức xin học bổng, GoEMON đã liên lạc với bạn Thảo - một du học sinh đang theo học tại đây để chia sẻ về kinh nghiệm nhận học bổng của bạn.

“Chào các bạn, mình là Thảo, vừa kết thúc năm nhất tại trường Đại học Nagoya, Nhật Bản. Mình học ngành Luật (Law and Political Science), chương trình mình theo học là chương trình Quốc tế của trường - G30 International Program. Tất cả mọi thứ đều được giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh.

1. Giới thiệu sơ lược về Nagoya University

Đại học Nagoya (名古屋大学), hay còn được biết đến với tên gọi tắt là Meidai, thuộc top những Đại học nổi tiếng nhất ở Nhật Bản. Trường đồng thời cũng là một trong số 7 trường Đại học Đế quốc.

Trường có 3 campus: HIgashiyama, Daiko, và Tsurumai. Higashiyama là campus lớn nhất của trường, đồng thời cũng là campus mà phần lớn các sinh viên sẽ theo học. Campus Daiko và Tsurumai chủ yếu dành cho những sinh viên học những ngành Y dược và sức khoẻ. 

Mỗi năm trường nhận khoảng 15.000 sinh viên, trong đó có tầm 30% là sinh viên Quốc tế . So với những trường đại học khác ở Nhật (không tính những trường Đại học Quốc tế), thì số lượng học sinh Quốc tế của trường Đại học Nagoya khá nhiều. Và cũng chính vì lý do đó nên trường tương đối nổi tiếng trong cộng đồng Quốc tế. 

2. Khái quát về chương trình Học bổng Global 30

Học bổng chương trình quốc tế G30 của trường thì về cơ bản sẽ cover 100% tiền học phí cả 4 năm + một khoản chu cấp 500,000 yên mỗi năm cho chi phí sinh hoạt. 

Yêu cầu của chương trình học bổng

Có 2 yêu cầu chính: 

  1. Phải nhập học ở trường vào năm mà họ đưa ra học bổng, với ý định sẽ hoàn thành hết 4 năm học undergrad ở trường.
  2. Không được phép nhận các loại học bổng chính phủ/học bổng tư nhân nào khác có giá trị hơn 500,000 yên một năm.

Chuẩn bị hồ sơ: 

Nộp đơn đăng ký học bổng cùng với các hồ sơ cần thiết để apply cho chương trình G30. Đơn đăng ký cũng rất đơn giản, về cơ bản là chỉ hỏi một vài thông tin cá nhân như tên, tuổi, thành viên gia đình cùng thu nhập thường niên. 

Về buổi phỏng vấn: 

Sẽ không có phỏng vấn dành riêng cho học bổng. Về cơ bản thì trong cuộc phỏng vấn đó, các giáo sư sẽ hỏi 2 loại câu hỏi chính: 

(1) câu hỏi về cá nhân bạn (tại sao lại chọn trường, lý do muốn đi Nhật, etc.) 

(2) là câu hỏi về nội dung của bài luận mà bạn đã nộp cho trường. Cũng sẽ có một số trường hợp giáo sư sẽ hỏi thẳng bạn luôn là nếu không được học bổng G30 (nhưng vẫn có kết quả đỗ vào trường) thì bạn có nhập học không. Theo cá nhân mình thì câu hỏi này cứ trả lời thật lòng thôi, có đâu nói vậy, không nên nói dối hay nói lắt léo gì cả. 

Quy trình apply:

Việc apply học bổng khá đơn giản, về cơ bản là không có sự tách biệt rõ ràng nào so với quá trình apply vào chương trình G30 của đại học Nagoya. Cụ thể hơn thì tức là trong quá trình apply cho chương trình G30 thì các giáo sư cũng sẽ xem xét bạn có phù hợp để nhận được học bổng G30 không.

Cách thức apply:

Sẽ có 2 đợt tuyển sinh, một đợt thường mở vào tháng 11, đợt còn lại mở vào tháng 1 năm sau. Tuy nhiên với các ngành Luật, Văn hoá Nhật Bản, Kinh Tế, và Bio Science thì sẽ không nhận tuyển học sinh cho đợt 2. Trong mỗi đợt tuyển sinh thì sẽ lại được chia làm 2 vòng. 

Vòng 1 là vòng nộp hồ sơ, thì về cơ bản là bạn sẽ cần nộp các giấy tờ cá nhân, bảng điểm, và 2 bài luận (1 bài luận cá nhân và 1 bài luận về chuyên ngành). Sau đó khoảng tầm 2 tháng gì đó thì sẽ có kết quả vòng thứ nhất, và đến vòng thứ 2 thì sẽ là vòng phỏng vấn. Hết vòng phỏng vấn thì lại tiếp tục chờ thêm khoảng tầm 2 tháng thì sẽ có kết quả cuối cùng. 

Ngoài ra thì đối với những bạn không được học bổng G30 thì cũng có thể apply miễn giảm học phí (Tuition Exemption) của trường. Sẽ có 3 mức là Giảm ½, Giảm ⅓, hoặc giảm ⅔. Trước đây thì có cả mức giảm full học phí (tức giảm 100%), nhưng có vẻ như là do dịch nên từ năm ngoái thì trường đã bỏ mức giảm full học phí.

3. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân:

Tips đánh bóng hồ sơ

Có 3 điểm quan trọng cần chú ý:

  • Thứ nhất là kết quả học tập (bảng điểm) của cấp 3 phải tốt. Điểm không cần phải cao vượt trội xuất sắc, nhưng nên ở mức khoảng 9.0 trung bình môn trở lên. Nếu có giải thành phố hay Quốc gia thì sẽ là một điểm cộng lớn. 
  • Thứ hai là thư giới thiệu (Letter of recommendation) của giáo viên. Việc bạn là học sinh giỏi đương nhiên là quan trọng, nhưng những đóng góp của bạn trên trường lớp ngoài mặt học tập, việc bạn có tham gia năng nổ các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài trường hay không, cũng như bản thân con người bạn như thế nào cũng là những tiêu chí quan trọng mà trường sẽ chú ý tới.
  • Thứ 3 là 2 bài luận. Cả 2 bài luận đều có giới hạn từ tương đối ít, nên đừng viết rườm rà dài dòng mà hãy viết ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thu hút sự chú ý của người đọc. 

Một chú ý nhỏ là với bài luận thứ 2 (bài luận về chuyên ngành), bạn không cần quá lo lắng về việc mình không có nhiều kiến thức chuyên sâu chuyên ngành nha. Mục đích của các giáo sư qua việc giao bài luận đó là để xem bạn có định hướng về ngành học như thế nào và khả năng tư duy, suy nghĩ, critical thinking của bạn đến đâu. 

Kinh nghiệm để vượt qua vòng phỏng vấn

Bản thân mình thì cũng không có quá nhiều để nói, nhưng về cơ bản thì quan trọng nhất vẫn cứ là tự tin vào bản thân thôi. Trong buổi phỏng vấn thì nhớ luôn mỉm cười thật tươi, có thái độ thật tốt, và trả lời các câu hỏi được đưa ra một cách thật tự tin. Mấu chốt ở đây là bạn phải thể hiện được rằng bạn tự tin vào khả năng của mình, vì nếu như chính bạn còn không tin vào bản thân thì chẳng có cơ sở gì để các giáo sư cũng tin tưởng và trao cơ hội cho bạn cả, đúng không nhỉ? 

Lời khuyên thứ 2 thì theo cá nhân mình, các bạn đừng “bốc phét” quá đà hay trả lời lố quá, vì các giáo sư sẽ nhận ra hết đấy. Như đã nói ở trước thì các giáo sư sẽ không chỉ chọn học sinh dựa vào thành tích học tập mà còn dựa trên tính cách nữa, vì cộng đồng G30 ở đây có khá ít người và mọi người rất đề cao sự gắn kết giữa các thành viên với nhau"

Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm xin học bổng chương trình Global 30 Đại học Nagoya của Thảo“. GoEMON cảm ơn Thảo đã dành thời gian chia sẻ thật chi tiết! 

Hy vọng kinh nghiệm thực tế của của Thảo sẽ là những tham khảo giá trị cho các bạn đang tìm kiếm học bổng du học Nhật. 

Nếu các bạn có thắc mắc nào về học bổng này, hãy comment bên dưới, Thảo và đội ngũ GoEMON sẽ hỗ trợ giải đáp giúp bạn!

#Học bổng