Chủ nhật, 4 tháng 12 năm 2022 04:03

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại Khách sạn Nhật Bản

Cách đây 2 năm trước khi dịch Covid19 bắt đầu Khách Sạn là ngành được rất nhiều các bạn lựa chọn. Sau 2 năm bị ảnh hưởng do dịch đến nay ngành Khách sạn đang từng bước cải thiện nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Sau đây mình xin phép chia sẻ chút kinh nghiệm về ngành dịch vụ này.

Long Nguyễn Việt

1.  Tiếng Nhật cần thiết để làm việc trong Khách sạn tại Nhật Bản

 

Dù làm trong ngành khách sạn hay bất cứ ngành nào khác, trình độ tiếng Nhật vẫn là kỹ năng quan trọng nhất bạn cần có. Tại các khách sạn, bạn sẽ thường xuyên giao tiếp với khách vì vậy mặc dù không cần phải thông thạo kính ngữ (敬語) và Khiêm nhường ngữ(尊敬語)trong tiếng Nhật, nhưng ít nhất bạn phải nắm được các từ thể ます và cụm từ lịch sự cơ bản. Tuy nhiên, tuỳ từng công việc làm trong khách sạn khác nhau mà yêu cầu về trình độ tiếng cũng khác nhau.

Nhân viên quản lý thiết bị hoặc nhân viên vệ sinh – những vị trí không cần tiếp xúc nhiều với khách hàng, thì họ sẽ không đòi hỏi quá nhiều ở trình độ tiếng Nhật của bạn. Ở vị trí Lễ tân, nhà hàng, nhân viên trực điện thoại…(bộ phận thường xuyên tiếp xúc với các khách hàng) thì việc phải có năng lực tiếng Nhật là điều bắt buộc và thường họ yêu cầu với người nước ngoài là JLPT N2 trở lên.

Ngoài ra khách lưu trú tại các khách sạn Nhật Bản là người từ khắp nơi trên thế giới và có thể không nói được tiếng Nhật. Do đó, bên cạnh tiếng Nhật, nếu bạn có thể sử dụng thêm một ngoại ngữ khác thì đó sẽ là lợi thế lớn cho bạn khi đi xin việc.

2.  Tìm hiểu và nắm bắt rõ về nét văn hoá “Omotenashi” của Nhật Bản và từ đó chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng trước các trường hợp khó khăn.

Khách sạn là một bộ phận trung tâm của ngành dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng – Du lịch và hoạt động về cơ bản giống nhau trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, mọi việc có thể phức tạp hơn một chút khi phát sinh lỗi từ phía khách sạn hoặc khi bạn phải tiếp xúc với những vị khách khó tính và luôn đưa ra những yêu cầu vô lý hoặc những vị khách có tính cách theo người Nhật gọi là “hen 変” .Các khách sạn ở Nhật Bản luôn tự hào về “Omotenashi” – nét văn hóa hiếu khách độc đáo của Nhật Bản. Về cơ bản của nét văn hoá này khách hàng là thượng đế và nên sẽ phải được phục vụ với sự tận tâm tối đa. Dù khách hàng dễ chịu hay khó tính, trong mọi tình huống, nhân viên phải đáp ứng yêu cầu của họ một cách kịp thời với nụ cười thường trực trên môi. Đó là lý do tại sao bạn cần phải chuẩn bị trước về tâm lý.

Với điều kiện tuyển với yêu cầu Tiếng Nhật khá cao so với các ngành khác và với việc phải chịu các áp lực từ nhưng vị khách khó tính nhưng ngành Khách sạn lại luôn nằm trong những ngành được quan tâm nhiều. Vậy nó có ưu điểm và nhược điểm như nào cùng mình đưa ra nhé:

 

*Ưu điểm

- Giúp bạn cải thiện về giao tiếp tiếng Nhật và những ngoại ngữ khác:

Khi giao tiếp với khách hàng hoặc giao tiếp với các đồng nghiệp trong Khách sạn chắc chắn tiếng Nhật của bạn sẽ được cải thiện theo từng ngày. Ban đầu có thể chưa trôi chảy nhưng với việc sử dụng tiếng Nhật để trò chuyện, trao đổi công việc với nhân viên người Nhật hay tiếp khách sử dụng Kính ngữ và Khiêm nhường ngữ sẽ giúp khả năng giao tiếp, phản xạ của bạn trôi chảy hơn rất nhiều.

- Tích luỹ được nhiều kinh nghiệm với việc thấm nhuần nét văn hoá “Omotenashi”

Sau khi bạn vào làm tại khách sạn, sẽ có một lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng để tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Cùng với việc cải thiện kỹ năng ngoại ngữ bằng cách giao tiếp với đồng nghiệp, bạn cũng sẽ được trang bị những kiến thức về nhiều mặt khác nhau của văn hóa Nhật Bản. Đối với những bạn làm tại khách sạn nhỏ và vừa thì có thể sẽ phải làm nhiều việc khác nhau, với đa phần mọi người sẽ nghĩ là làm nhiều việc như vậy sẽ rất vất vả nhưng nhờ vậy mà bạn sẽ trở lên trưởng thành có cơ hội thăng tiến lên đến cấp quản lý.

- Tiết kiệm được chi phí khi làm việc tại các ryoukan hoặc khách sạn trong khu du lịch tại các thị trấn nhỏ

 Đối với những bạn làm ở ryoukan hay khách sạn trong thành phố du lịch, thị trấn nhỏ, các khu lịch nhỏ trong tỉnh…những cơ sở này là họ thường cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống miễn phí hoặc chiết khấu cao cho nhân viên, điều này có thể giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn so với làm việc trong một khách sạn ở thành phố lớn. Mặc dù các thị trấn nhỏ sẽ không có nhiều hoạt động giải trí như các thành phố lớn, nhưng ngược lại bạn sẽ có cơ hội khám phá cuộc sống thanh bình ở vùng quê – những điều ít được biết đến ở Nhật Bản.

- Thời gian làm việc ngoài giờ luôn ở mức ổn định thậm chí cao hơn rất nhiều so với một số ngành nghề khác qua đó mức thu nhập hàng tháng của các bạn sẽ được tăng lên đáng kể.


*Nhược điểm

- Công việc đòi hỏi bạn phải có một sức khoẻ tốt:

Công việc lễ tân có thể sẽ đặc biệt vất vả, vì hầu hết khách sạn sẽ chia 2 hoặc 3 ca làm việc một ngày tuỳ thuộc vào lịch làm việc của từng khách sạn khác nhau.

Công việc nhà hàng thường chia làm 2 ca. Công việc chuẩn bị bữa sáng sẽ cần có mặt vào khoảng 6 giờ sáng, làm việc tới 11 giờ trưa, sau đó quay lại lúc 4 giờ chiều để tiếp tục làm đến 9 giờ 30 phút tối, thậm chí còn vất vả hơn nếu nhà hàng có các đoàn thể đến tổ chức tiệc thì có thể kéo dài đến hơn 10 giờ tối. Đối với những người phải dọn dẹp sau những sự kiện như vậy, việc hoàn thành công việc muộn nhất là 11 giờ đêm.

- Gặp nhiều tình huống căng thẳng:

Khi làm việc tại khách sạn, bạn sẽ tiếp xúc với rất nhiều vị khách trong một ngày và đôi khi gặp phải những vị khách khó tính hoặc là “hen” như mình đã đề cập bên trên. Tuy nhiên với văn hoá “Omotenashi” thì bạn  hãy nhớ là “khách hàng là thượng đế”. Vì vậy khi khách hàng gặp vấn đề dù là không liên quan đến bạn, thì bạn vẫn phải cúi đầu xin lỗi. Với những tình huống như trên các bạn nên gặp người chịu trách nhiệm của ca làm đó để trao đổi không nên tự mình giải quyết sẽ gặp thêm nhiều rắc rối nhất là đối với những người khách họ có chút mặc cảm với người nước ngoài.

Với kinh nghiệm làm tại khách sạn của mình trong 2 năm qua hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về những ưu, nhược điểm của ngành dịch vụ khách sạn ở Nhật Bản. Từ các khu nghỉ dưỡng đến các nhà trọ ryokan truyền thống, Nhật Bản có rất nhiều cơ sở lưu trú khác nhau, mỗi loại hình đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nếu bạn đang cân nhắc đến kế hoạch làm việc trong một khách sạn Nhật Bản, thì hãy tận dụng những thông tin trong bài viết này để tìm một nơi làm việc phù hợp với tất cả các mục tiêu bạn đã đề ra nhé.

Để có thể biết thêm các thông tin, tin tức mới bạn có thể theo dõi fanpage GoEMON Việt Nam. Ngoài ra, nếu có thêm những thắc mắc bạn cũng có thể chia sẻ tại GoEMON để được các bạn hỗ trợ nhé!

#Toàn thời gian#CV#Khác